Chính trị - Xã hội

Giúp người lầm lỡ hoàn lương

07:53, 28/01/2023 (GMT+7)

Với mục đích giúp người lầm lỡ làm lại cuộc đời, từ năm 2015 đến nay, chương trình cho vay hoàn lương của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã tạo điều kiện cho hàng trăm hộ gia đình có thành viên chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương được vay vốn làm ăn, tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Chương trình cho vay hoàn lương tạo điều kiện để người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Trong ảnh: Khách hàng Trần Đình M. H. vay vốn làm nghề giò chả, có thu nhập ổn định. Ảnh: L.P
Chương trình cho vay hoàn lương tạo điều kiện để người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. TRONG ẢNH: Khách hàng Trần Đình M. H. vay vốn làm nghề giò chả, có thu nhập ổn định. Ảnh: L.P

Những ngày cận Tết Quý Mão 2023, chúng tôi theo chân cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) quận Thanh Khê đến thăm cơ sở làm giò chả của anh Trần Đình M. H. (phường An Khê, quận Thanh Khê). Trong căn bếp, anh H. tất bật xay thịt, đóng khuôn, hấp chả. Chốc chốc anh H. ngừng tay, quay ra chuyện trò với khách. Cuối năm 2020, anh H. chấp hành xong án phạt, trở về địa phương quyết tâm làm lại cuộc đời.

Để có công việc và thu nhập, anh H. đi học nghề làm giò chả và vay vốn 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hoàn lương của Chi nhánh NHCSXH thành phố để mua sắm vật dụng, máy móc phục vụ sản xuất. Sau khi thạo nghề giò chả, anh H. mở thêm tủ bán bánh mỳ để có thêm thu nhập, phụ gia đình chăm lo ăn học cho các em. Nhờ có khách hàng ổn định, công việc buôn bán dần khấm khá.

Đến nay, gia đình anh H. đã hoàn trả nợ gốc được 18,5 triệu đồng/30 triệu đồng. “Thời điểm mới về lại địa phương, tôi gặp không ít khó khăn do tâm lý tự ti, mặc cảm. Nhờ sự động viên, giúp đỡ kịp thời từ chính quyền địa phương, tôi được tiếp cận với chương trình cho vay hoàn lương và mạnh dạn vay vốn làm ăn, thay đổi cuộc đời”, anh H. chia sẻ.

Tháng 10-2022, anh Nguyễn K. (tổ 26, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) chấp hành xong án phạt tù, về lại địa phương. Sau khi được Công an phường Thạc Gián thông tin về chương trình cho vay hoàn lương, anh K. bày tỏ nguyện vọng được vay vốn để mua sắm vật dụng làm nghề sơn nước. Xét thấy anh K. có sự tiến bộ và quyết tâm hoàn lương, chính quyền phường hỗ trợ anh K. làm hồ sơ để vay vốn 20 triệu đồng.

Sau khi có vốn, anh K. mua các vật dụng làm nghề sơn, vệ sinh công trình, nhà cửa để phục vụ nhu cầu sơn sửa nhà cửa của người dân. “Thời điểm cuối năm tôi không thể vay mượn ai. Thật may mắn có chương trình cho vay hoàn lương của Chi nhánh NHCSXH thành phố, tôi được vay vốn để làm ăn, có thu nhập, dần ổn định cuộc sống”, anh K. bộc bạch.

Đại diện Phòng giao dịch NHCSXH quận Thanh Khê cho biết, toàn quận hiện có 11 khách hàng vay vốn từ chương trình cho vay hoàn lương, tổng dư nợ gần 280 triệu đồng. Theo Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hòa Vang Đoàn Ngọc Cẩm, toàn huyện hiện có 12 khách hàng vay vốn chương trình hoàn lương với tổng dự nợ 325 triệu đồng. Khách hàng vay vốn chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế gia đình như: chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ.

Đơn cử, sau khi về lại địa phương, chị Đỗ Thị Hồng P. (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) được hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn 30 triệu đồng để bán quán ăn. Có vốn, chị P. thuê mặt bằng tại chợ Túy Loan (xã Hòa Phong), mua sắm bàn ghế, tủ đựng, vật dụng để mở bán quán ăn tại chợ, có thu nhập ổn định chăm lo cho gia đình.

Trong khi đó, nhờ có nghề lái xe tải, anh Nguyễn Sỹ T. (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) vay 30 triệu đồng từ chương trình hoàn lương để làm vốn nhập rau xanh đi bỏ sỉ liên tỉnh. Nhờ chí thú làm ăn, công việc của anh T. dần ổn định, lượng khách hàng đều đặn, thu nhập tăng lên từng ngày.

Trưởng phòng Kế hoạch và nghiệp vụ, Chi nhánh NHCSXH thành phố Phạm Văn Doanh cho biết, chương trình cho vay hoàn lương được triển khai từ năm 2015, dành cho các hộ gia đình có thành viên đã chấp hành xong hình phạt tù và trở về địa phương sinh sống, đã thực sự cải tạo tiến bộ, có hoàn cảnh khó khăn và có nhu cầu vay vốn nhằm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Căn cứ nhu cầu vay vốn của hộ gia đình, số người lao động thực tế mà mức cho vay dao động từ 20 triệu đồng/hộ có 1 lao động đến 30 triệu đồng/hộ có từ 2 lao động trở lên, thời hạn cho vay tối đa là 36 tháng. Hộ vay vốn được hỗ trợ 100% tiền lãi trong suốt thời gian vay nên yên tâm làm ăn.

Để chương trình cho vay hoàn lương đạt hiệu quả, Phòng giao dịch NHCSXH các quận, huyện phối hợp với Công an, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn cơ sở tích cực tuyên truyền, phổ biến để những người từng lầm lỡ nắm thông tin về chương trình, có trách nhiệm và ý thức phấn đấu làm ăn, tiết kiệm để hoàn vốn sau khi vay.

Cùng với đó, Phòng giao dịch NHCSXH các quận, huyện duy trì tổ chức thu hồi nợ tại các điểm giao dịch phường, xã theo lịch định kỳ hằng tháng. Nhờ đó, nguồn vốn được thu hồi và xoay vòng cho vay các khách hàng tiếp theo, bảo đảm mục đích đề ra.

Từ năm 2015 đến hết tháng 11-2022, chương trình cho vay hoàn lương đã giải quyết cho 344 khách hàng vay vốn với tổng số tiền hơn 8,7 tỷ đồng. Riêng năm 2022, dư nợ cho vay đạt 1,156 tỷ đồng với 49 khách hàng. Trong quá trình vay vốn, hầu hết các khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả, từng bước tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

LAM PHƯƠNG

.