Chính trị - Xã hội
Chất lượng đồ án quy hoạch phân khu đổi mới sáng tạo được đánh giá cao
Chiều 13-2, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo phản biện đồ án quy hoạch phân khu đổi mới sáng tạo (không bao gồm diện tích Khu Liên hợp thể dục, thể thao Hòa Xuân).
Khu vực lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính một phần các phường Hòa Quý, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Xuân, Khuê Trung, Hòa Thọ Tây, Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) và các xã Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) với tổng diện tích 3.773ha, hiện có hơn 109.400 người dân. Dự kiến đến năm 2045, tổng dân số đề xuất là 361.270 người.
Đơn vị tư vấn lập đồ quy hoạch phân khu đã nghiên cứu các mô hình phát triển đô thị sáng tạo trên thế giới, đặc biệt là ở Singapore, Hàn Quốc, Mỹ... và đề xuất mô hình đô thị sáng tạo.
Theo đó, bên cạnh các trung tâm trọng điểm đã và đang được xây dựng như: Trung tâm thể dục thể thao Hòa Xuân, Trung tâm sáng tạo - công nghệ thông tin, Khu đô thị Công nghệ FPT, có 3 trung tâm mới bổ sung hoàn thiện hệ sinh thái sáng tạo, bao gồm: trung tâm sức sức khỏe, trung tâm tri thức và khu công nghiệp 4.0. Những trung tâm đô thị này sẽ hoàn thiện các đặc trung cho một đô thị sáng tạo, nơi học hỏi, thực nghiệm, chia sẻ và phát triển...
Tại hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học đã đánh giá cao chất lượng công tác lập quy hoạch, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu và đề xuất chỉ tiêu quy hoạch cho từng khu vực nhỏ, tương ứng với từng đơn vị ở và có bước sáng tạo, đột phá so với các đồ án quy hoạch phân khu khác.
Đồng thời, đề nghị đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu có các giải pháp xử ký nước thải và rác thải, tránh ngập lụt, tăng mật độ cây xanh đô thị... và nâng cao yếu tố sáng tạo, đột phá trong quy hoạch.
PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đánh giá cao đơn vị tư vấn đề xuất một mô hình đô thị hiện đại và đẹp trên cơ sở kế thừa hiện trạng và các đặc điểm tự nhiên, xã hội của khu vực này.
Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần đưa ra các quy định quản lý đô thị của đồ án quy hoạch, nhất là các chỉ tiêu cụ thể cho việc quản lý hình thể đô thị. Khu vực này có cảnh quan đẹp do có dòng chảy các con sông đi qua nên cần xem xét thêm giải pháp tổ chức đô thị, cảnh quan các khu vực ven sông. Mô hình tuyến đường Bạch Đằng ở khu vực trung tâm thành phố đáng để suy ngẫm và tham khảo để có thêm nhiều tuyến đường có sức hấp dẫn lớn như đường Bạch Đằng trong phân khu mới này.
TS. Hồ Phước Phương, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam tại Đà Nẵng đề nghị tạo các công viên cây xanh ở dọc bờ sông làm không gian cách ly cho phát triển đô thị, bảo vệ dòng sông, không cho xây dựng đô thị lấn sông, giúp thoát lũ thuận lợi và kết nối không gian tự nhiên với đô thị, làm cho khu vực dọc sông trở nên đẹp, sinh thái, hấp dẫn nhà đầu tư.
Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Vũ Quang Hùng đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu khu vực tái định cư ở phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), nơi được bố trí tái định cư cho các hộ giải tỏa dự án Khu công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn; đồng thời, nghiên cứu tạo ra các hướng đột phá trong quy hoạch.
TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Dũng cho rằng, đơn vị tư vấn cần xác định quy mô, số sinh viên sau năm 2030 của Đại học Đà Nẵng, một đại học vùng để xác định chức năng của phân khu này cho đầy đủ cũng như: tính toán cơ cấu, tỷ lệ diện tích sử dụng đất các trung tâm đô thị; cụ thể hóa nhiệm vụ lập quy hoạch đồ án đã được quy hoạch; tính toán việc phân bố nguồn lực đầu tư...
Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng Võ Công Trí đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và sẽ được tổng hợp đầy đủ ý kiến để gửi đến Sở Xây dựng, UBND thành phố. Qua đó đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện đồ án quy hoạch phân khu này.
HOÀNG HIỆP