Gom ve chai, mở bếp ăn 0 đồng

.

Để duy trì bếp ăn 0 đồng, Chi hội phụ nữ số 1, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ tích cực thu gom rác tái chế, bán lấy tiền tạo nguồn kinh phí.

Sáng thứ 3 hằng tuần, ngôi nhà của chị Ngô Thị Cẩm Linh, Chi hội phó Chi hội phụ nữ số 1 nhộn nhịp từ sớm. Để chuẩn bị 50 suất ăn (mỗi suất 20.000-25.000 đồng) cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, khoảng 10 thành viên chi hội cùng nhau chế biến thực phẩm.

Mong muốn mua được nguyên liệu tươi, ngon, giá rẻ, các chị đi chợ từ 4 giờ 30 và hoàn tất việc nấu nướng trước 6 giờ để kịp phục vụ bữa sáng cho người dân. Theo chị Linh, thực đơn bếp ăn thay đổi theo tuần, từ cháo, phở, súp, bánh mì, mỳ Quảng, bún và nấu món chay nếu rơi vào ngày rằm, mồng 1.

Để mọi việc diễn ra nhanh gọn, tiết kiệm chi phí, các chị lên thực đơn từ trước và phân công người đi chợ, sơ chế, nấu nướng, cũng như chia khẩu phần ăn.

Mỗi tháng 2 lần, bà Nguyễn Thị Huệ, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 1 cùng chị em hội viên đi khắp khu dân cư thu gom chai nhựa, vỏ lon, giấy báo… với mục đích bán gây quỹ, tạo nguồn kinh phí duy trì bếp ăn.

Theo bà Huệ, từ ngày bếp ăn 0 đồng hoạt động, chị em phụ nữ khu dân cư số 1 có điều kiện xích lại gần nhau. Mỗi ngày, sau bữa ăn, chị em hội viên rửa sạch bao ni-lông, chai nhựa, để dành gửi tặng chi hội gây quỹ. Sau khi phân loại, bà Huệ sẽ gọi chủ vựa ve chai đến bán lấy tiền tổ chức bữa ăn tiếp theo.

Đợt nào nhiều ve chai, chi hội có thể bán được 400.000-500.000 đồng nhưng đợt ít chỉ vài chục nghìn đồng. Số tiền bán phế liệu, bà Huệ ghi chép cẩn thận và báo cáo cụ thể hoạt động thu, chi đến chị em hội viên. Ngoài ra, để duy trì nguồn quỹ ổn định, bà khuyến khích chị em phân loại rác thải tại nguồn, đồng thời vận động hội viên, người dân sinh sống trong khu dân cư đóng góp kinh phí.

Thường xuyên góp phế liệu cho chi hội bán gây quỹ, chị Nguyễn Thị Hồng cho biết bản thân cảm thấy hạnh phúc khi góp phần cùng chị em khu dân cư duy trì bếp ăn. “Ngoài việc tạo kinh phí, hoạt động thu gom phế liệu giúp chúng tôi thay đổi cách ứng xử với rác thải, đặc biệt là rác thải tái chế trong quá trình nấu nướng, sinh hoạt gia đình”, chị Hồng nói.

Sau hơn 1 năm hoạt động, bếp ăn 0 đồng của Chi hội phụ nữ số 1, phường Hòa Thọ Tây đã thực sự lan tỏa, trở thành điểm đến yêu thương của nhiều hoàn cảnh khó khăn. Từ khi biết bếp ăn hoạt động, đều đặn sáng thứ Ba hằng tuần, từ dãy trọ ở phường Hòa Thọ Đông, bà Nguyễn Thị Sáu (quê huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đạp xe đến nhà văn hóa xin hỗ trợ.

Bà Sáu chia sẻ, cuộc sống ở quê khó khăn nên bà ra Đà Nẵng bán vé số gần 3 năm nay. “Mỗi tờ vé số bán ra, tôi được đại lý trả hoa hồng 400-600 đồng, do đó tiết kiệm được bữa ăn nào tôi mừng bữa đó vì cuộc sống còn nhiều thứ phải lo toan. Ở đây các chị nấu ăn ngon, hợp vệ sinh, trình bày đẹp mắt nên tôi cảm thấy mình thật may mắn khi có thể thưởng thức những bữa ăn miễn phí này”, bà Sáu bộc bạch.

Bếp ăn 0 đồng được Chi hội phụ nữ số 1 tổ chức từ năm 2021 nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Mỗi hội viên một cử chỉ đẹp - Mỗi tổ chức hội một hành động ý nghĩa”. Bà Võ Thùy Dương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Thọ Tây khẳng định, bếp ăn 0 đồng đã góp phần hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ngoài ra, việc duy trì bếp ăn đã tạo điều kiện để chị em phụ nữ khu dân cư tham gia vào các hoạt động chung, vì cộng đồng.

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.