Chính trị - Xã hội
Phát huy giá trị ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn xứng tầm di sản tư liệu cấp khu vực
ĐNO - Sáng 1-3, UBND thành phố tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương (thứ 2, từ phải qua) trao bằng công nhận ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Đến dự, về phía Trung ương có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Trưởng ban Giáo dục Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam Miki Nozawa. Về phía địa phương, có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh, ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn mang nhiều giá trị vượt ra ngoài ranh giới của một quốc gia, và đây lý do được vinh danh là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.
Đây là niềm vinh dự, tự hào của đất nước Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Đồng thời cũng là điểm nhấn giúp giới thiệu quảng bá các giá trị văn hoá dân tộc, điểm đến du lịch của địa phương với cộng đồng trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cám ơn sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đóng góp trí tuệ, công sức trong việc xây dựng hồ sơ đề cử và bảo vệ thành công hồ sơ “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn”.
Đồng thời cam kết, thành phố sẽ nỗ lực để thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh bảo vệ và phát huy giá trị ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn xứng tầm với vị thế của một di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận Ngũ Hành Sơn và các đơn vị có liên quan thực hiện các giải pháp và phương án quản lý, bảo tồn danh thắng Ngũ Hành Sơn nói chung và ma nhai Ngũ Hành Sơn nói riêng với định hướng bền vững, lâu dài và hiệu quả.
Trong đó, chú trọng thực hiện có hiệu quả quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh thắng Ngũ Hành Sơn sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo tàng.
Cùng với đó, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bảo vệ nghiêm ngặt các ma nhai. Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới để phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn di sản ma nhai một cách bền vững, khoa học và hiệu quả, mang tính thực tiễn cao.
Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản tư liệu ma nhai một cách thường xuyên và rộng rãi thông qua nhiều hoạt động, phương thức đa dạng nhằm nâng cao ý thức của người dân và du khách.
Tăng cường công tác giới thiệu những tư liệu quý này vào trường học để giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức trong thế hệ trẻ về giá trị và ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Đồng thời, đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới để học tập và trao đổi kinh nghiệm về bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu ma nhai.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định, ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là những tư liệu cực kỳ giá trị, chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia như Nhật Bản - Trung Hoa - Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX.
Đây là các tác phẩm trên đá độc đáo ấn tượng - loại di sản tư liệu này có số lượng ghi danh khiêm tốn trong các danh sách di sản tư liệu khu vực, thế giới và là đầu tiên ở Việt Nam, khởi đầu cho việc khai phá tiềm năng di sản tư liệu đặc biệt giá trị trong kho tàng di sản văn hoá Việt Nam và lan toả các giá trị Việt Nam còn đang tiềm ẩn đối với bạn bè, đồng nghiệp khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng lập đề án, dự án quản lý, tư liệu hoá, quảng bá di sản, tăng cường trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn nói riêng, di sản văn hoá nói chung, góp phần vào sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Cũng tại buổi lễ, Trưởng ban Giáo dục Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam Miki Nozawa cho biết, với ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng, Việt Nam hiện có 9 di sản tư liệu được ghi tên vào danh mục của Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á và Thái Bình Dương (MOWCAP), trong đó có 3 di sản thế giới và 6 di sản châu Á - Thái Bình Dương.
Đồng thời cho rằng, việc ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được ghi danh trong danh mục của MOWCAP chính là ghi nhận ý nghĩa và tầm vóc cấp khu vực của bộ sưu tập theo nhiều tiêu chí như: ý nghĩa lịch sử, tính độc đáo và tính xác thực, đồng thời có tính đến sự nhạy cảm về giới của các đề cử được gửi để đánh giá.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đoàn Ngọc Hùng Anh (trái) cùng đại biểu tham quan triển lãm ảnh về ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Trước đó, ngày 26-11-2022, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của MOWCAP, ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ma nhai là một hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm được khắc trên vách đá và hang động của danh thắng Ngũ Hành Sơn, với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ 17 đến thế kỷ 20.
Nguồn di sản tư liệu này có giá trị trên nhiều phương diện, phản ánh nhiều mặt của địa phương và đất nước Việt Nam dưới thời phong kiến như: lịch sử, địa lý, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa - giáo dục.
Mỗi bia ma nhai tuy có sự khác nhau về hình thức, nội dung nhưng tựu chung là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, hàm chứa những nội dung lịch sử, nhân văn quý báu, được ra đời trong sự kết hợp của tâm hồn, tài hoa của thi nhân và kinh nghiệm, kỹ nghệ của người nghệ nhân điêu khắc đá Non Nước.
XUÂN DŨNG