Chính trị - Xã hội

Phát triển Hòa Vang theo hướng đô thị sinh thái, sườn đồi có bản sắc riêng

13:15, 24/03/2023 (GMT+7)

Định hướng xây dựng huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nội dung xây dựng Hòa Vang là đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi, có bản sắc riêng. Để nắm rõ quá trình triển khai định hướng quy hoạch quan trọng này, Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với  ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện.

Phối cảnh quy hoạch phân khu Khu đô thị huyện lỵ Hòa Vang.
Phối cảnh quy hoạch phân khu Khu đô thị huyện lỵ Hòa Vang.

* Tiến độ xây dựng Hòa Vang thành đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi, có bản sắc riêng, đến nay như thế nào, thưa ông?

- Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 7-7-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ đạo, định hướng phát triển mọi mặt của huyện, trong đó có nội dung xây dựng Hòa Vang là đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi có bản sắc riêng.

Đây là cơ hội cho Hòa Vang có bước chuyển mình mạnh mẽ hơn trong thời gian đến. Khi tham mưu Thành ủy ban hành nghị quyết này, huyện đã nghiên cứu, đề xuất các nội dung của Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg của ngày 15-3-2021 vào trong Nghị quyết 07-NQ/TU, trong đó có nội dung về xây dựng Hòa Vang là đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi, có bản sắc riêng.

Đến nay, được sự chỉ đạo của UBND thành phố, các ban quản lý dự án chuyên ngành của thành phố đang triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn huyện. Hiện có 12 đồ án quy hoạch phân khu đang được triển khai và có nhiều đồ án đang trong giai đoạn hoàn thiện. Để cụ thể hơn mục tiêu đề ra, huyện đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU ngày 25-10-2022 về Quy hoạch phát triển huyện Hòa Vang trở thành đô thị có bản sắc riêng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 25-10-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, xử lý trong công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, trật tự đô thị, đất đai, khoáng sản trên địa bàn huyện và các kế hoạch liên quan để thực hiện. Đây là những định hướng, mục tiêu và cũng là cách thức quan trọng để xây dựng Hòa Vang là đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi, có bản sắc riêng.

* Trong quy hoạch phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 có đề cập đến việc triển khai xây dựng 2-3 khu đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi, làm điểm nhấn. Để đạt mục tiêu đề ra, UBND huyện có những đề xuất, kiến nghị gì?

- Đồ án quy hoạch Phân khu đô thị sườn đồi và các đồ án thuộc Phân khu sinh thái phía tây là các đồ án thể hiện cụ thể nhất, rõ nét nhất, tạo nên điểm nhấn góp phần xây dựng Hòa Vang là đô thị sinh thái. Các đồ án đó đang trong quá trình hoàn thiện. Hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Trong đó, đối với nội dung quy hoạch xây dựng đô thị sinh thái (nằm trong nội dung “Rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch phân khu các khu du lịch thuộc phân khu sinh thái phía tây thành phố theo Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 10-6-2021), UBND huyện đã hoàn thiện việc lập các đồ án gồm: đồ án quy hoạch phân khu du lịch Khe Răm, diện tích 164ha (xã Hòa Bắc); đồ án quy hoạch phân khu du lịch dọc quốc lộ 14G diện tích 339ha (xã Hòa Phú), nơi tập trung các điểm tham quan du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái cho du khách và người dân trên địa bàn thành phố; đồ án quy hoạch phân khu du lịch sông Bắc, diện tích 217,5ha, giáp sông Cu Đê để phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái dã ngoại, khai thác lợi thế thiên nhiên gắn với việc bảo tồn tại khu vực sông Cu Đê và sông Bắc.

Bên cạnh đó, hướng phát triển văn hóa du lịch cộng đồng sẽ tập trung ở thôn Tà Lang và Giàn Bí. Ở đồ án quy hoạch phân khu du lịch đỉnh và chân núi Bà Nà diện tích khoảng 1.295,5ha (ở các xã Hòa Phú và Hòa Ninh) sẽ ưu tiên phát triển công trình thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí tổng hợp, công viên chuyên đề; phát triển du lịch sinh thái kết hợp mật độ lưu trú thấp, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.

Đối với nội dung quy hoạch phân khu đô thị sườn đồi tại các xã Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Nhơn, Hòa Phú với quy mô dân số dự kiến đến năm 2030 khoảng 270.000 người. Về chức năng, đây là khu vực phát triển khu đô thị mới tại khu vực phía tây đường tránh Nam Hải Vân; phát triển khu đô thị thương mại phi thuế quan khu vực cuối đường Hoàng Văn Thái; khu vực bảo đảm quốc phòng - an ninh; trung tâm thể dục-thể thao gắn chức năng nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe; khu vực công viên công cộng, cây xanh mặt nước, khu văn hóa - giải trí gắn cắm trại, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tận dụng các yếu tố địa hình tự nhiên; khu Trung tâm Logistic tại khu vực phía tây khu công nghiệp Hòa Nhơn; phát triển Làng nghề đá chẻ Hòa Sơn...

Phân khu đô thị sườn đồi thuộc phân kỳ quy hoạch 5 năm (giai đoạn 2025-2030), là giai đoạn biến chuyển, xem xét việc tái phát triển và mật độ hóa khu vực đô thị hiện tại của Đà Nẵng nhằm tối ưu hóa sự phát triển của thành phố, đồng thời giai đoạn này cũng hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án hạ tầng quan trọng trong đó có tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường vành đai phía tây, tuyến đường sắt tốc độ cao và nhà ga đường sắt... phục vụ công tác quản lý xây dựng đô thị, triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực quy hoạch nói riêng và thành phố nói chung.

Định hướng cho Hòa Vang để hướng đến đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi, có bản sắc riêng đã được nêu rất cụ thể và để thực hiện được nhiệm vụ này, huyện cũng đã chủ động và quyết liệt bằng việc ban hành các nghị quyết và kế hoạch để triển khai thực hiện. Thời gian từ nay đến năm 2025 còn rất ít so với khối lượng công việc đề ra, để đạt được các mục tiêu, huyện rất cần sự vào cuộc hỗ trợ, giúp đỡ từ các sở, ban, ngành, đến sự quan tâm chỉ đạo của thành phố.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

KHÁNH HÒA thực hiện

.