Tuần từ 6 - 12-3, nhiều sự kiện trong nước liên quan tới các lĩnh vực: Chính trị, Kinh tế, Văn hoá - Xã hội, Y tế, Giáo dục, Pháp luật… đã diễn ra, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.
Tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI
Ngày 10-3, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự hội nghị.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Báo Tin tức |
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị TP Hồ Chí Minh tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện Nghị quyết số 31/NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng xây dựng và phát triển Thành phố từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. TP Hồ Chí Minh cần quán triệt nhận thức sâu sắc và vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo đường lối bảo vệ Tổ quốc của Đảng trong tình hình mới; chủ động nghiên cứu, nắm, dự báo đúng tình hình; vừa lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý tốt, vừa tham mưu cho Đảng, Nhà nước, không để bị động bất ngờ; xử lý hiệu quả các tình huống, hóa giải các nguy cơ từ sớm, từ xa… Đồng thời, chủ động phòng ngừa, đấu tranh kiên quyết làm thất bại âm mưu diễn biến hòa bình; phòng ngừa, vô hiệu hóa âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; chủ động phát hiện, tấn công trấn áp các loại tội phạm...
Chủ tịch nước cũng yêu cầu TP Hồ Chí Minh phát huy tối đa lợi thế, vị thế, vị trí địa chính trị trong công tác đối ngoại, nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu quốc tế với các nước trên thế giới, nhất là các nước trong tiểu vùng sông Mê Công, các nước ASEAN, các đối tác lớn, huy động lực lượng bên ngoài kết hợp nội lực bên trong để tạo đà phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Được kéo dài kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp tối đa không quá 2 năm
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nêu rõ: Việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu phải đảm bảo các nguyên tắc: Tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này; trường hợp kéo dài kỳ hạn của trái phiếu thì thời gian tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư; đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận)".
Dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng hơn 100.000 tỷ đồng
Bộ Tài chính đã hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất năm 2023. Dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng trên 100.000 tỷ đồng.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, số tiền thuế gia hạn nộp đồng nghĩa với việc giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng vốn lưu thông. Ngược lại, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vẫn không giảm, thậm chí còn tăng nhờ nuôi dưỡng được nguồn thu. Tuy nhiên, số thu NSNN năm 2023 không giảm do số thuế được gia hạn, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 31-12-2023.
Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn. Do đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân nên Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép nghị định có hiệu lực từ ngày ký.
Tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục ùn tắc đăng kiểm
Trước tình trạng ùn tắc, quá tải tại các trung tâm đăng kiểm tiếp tục diễn ra trong tuần qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam sớm triển khai các giải pháp trước mắt và lâu dài để nhanh chóng khắc phục, đảm bảo phục vụ hoạt động kiểm định xe cơ giới cho người dân thuận lợi, nhanh chóng.
Lái xe, phương tiện chờ đến lượt đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm 29-06V (Tam Hiệp, Thanh Trì), chiều 8-3. Ảnh: Báo Tin tức |
Trước mắt, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục chỉ đạo để khôi phục hoạt động đăng kiểm trên cả nước thông qua việc thực hiện loạt giải pháp đồng bộ. Huy động tối đa lực lượng đăng kiểm toàn quốc, lực lượng bị khởi tố nhưng được tại ngoại, đã nghỉ hưu nhưng còn sức khỏe, đảm bảo trình độ chuyên môn để chi viện cho các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cùng với đó, khẩn trương tuyển dụng để bù đắp lực lượng thiếu hụt; đồng thời, phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng nhanh chóng tiếp nhận lực lượng đăng kiểm viên để sắp xếp vào các đơn vị đăng kiểm phục vụ hoạt động kiểm định của người dân, quan tâm đến chế độ đời sống sinh hoạt của các đăng kiểm viên.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, với tinh thần quyết liệt phòng chống tham nhũng, tội phạm, xử lý nghiêm sai phạm, Bộ Công an đang khẩn trương điều tra, xử lý các sai phạm tại các đơn vị đăng kiểm. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam khẩn trương rà soát, bổ sung kịp thời máy móc, phương tiện, nhân lực để khôi phục các trung tâm đăng kiểm hoạt động trở lại; tiếp tục thực hiện tăng ca, tăng kíp, làm cả ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật nhằm thực hiện mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Từ ngày 11-3, CSGT sẽ tăng cường 50 đăng kiểm viên thực hiện nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ GTVT và tập huấn cho 167 cán bộ làm công tác kiểm định xe cơ giới, sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu.
Cảnh báo tình trạng lừa phụ huynh chuyển tiền vì con bị tai nạn
UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo thông tin cụ thể về tình hình một số phụ huynh đã bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện gọi điện thoại thông báo học sinh bị tai nạn phải nhập viện cấp cứu. Sau đó, các đối tượng này đã yêu cầu phụ huynh chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng này cung cấp để thanh toán viện phí cấp cứu, tuy nhiên đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khá tinh vi và mới thông qua việc gọi điện thoại trực tiếp.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng gọi điện thoại lừa phụ huynh có con bị tai nạn để yêu cầu chuyển tiền, đơn vị đã phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục khuyến cáo; cung cấp các phương thức, thủ đoạn lừa đảo này đến với người dân. Đặc biệt, yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ sở giáo dục tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, phụ huynh bình tĩnh, thận trọng trong tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan đến thủ đoạn lừa đảo mới của các đối tượng; khuyến cáo phụ huynh liên hệ trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm khi cần nắm thông tin liên quan đến việc học tập, rèn luyện, sinh hoạt của học sinh tại trường; các cơ sở giáo dục tuyên truyền số điện thoại đường dây nóng của trường đến phụ huynh học sinh để liên hệ khi cần thiết.
Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về visa để đón khách quốc tế
Theo các chuyên gia du lịch, Việt Nam muốn thu hút du khách quốc tế cần thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ như nới lỏng các chính sách về visa các nước, ứng dụng mạnh công nghệ, tăng nội lực cho doanh nghiệp du lịch…
Theo ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, qua quá trình xúc tiến du lịch, tham gia các hội chợ xúc tiến du lịch, tôi nhận thấy cùng một cơ hội, cùng một khu vực Đông Nam Á, nhưng các nước có chính sách visa tốt hơn, tạo sự cạnh tranh thu hút khách, điển hình như Thái Lan miễn visa đã thu hút lượng du khách tăng gấp đôi. Ngoài ra, với kinh nghiệm trong ngành hàng không, những nước miễn visa, có đường hàng không bay thẳng thì trong vòng 3 năm, lượng hành khách tăng lên gấp đôi chứ không phải tăng lên mức độ trung bình tăng 5 - 10%. Vì vậy, ngoài đề xuất về tháo gỡ khó khăn cho visa, Việt Nam cần đẩy mạnh các chương trình quảng bá du lịch quốc gia, thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch liên tục trong thời gian tới.
Không để lỗ hổng trong giám sát an toàn cho trẻ mầm non
Vụ việc cháu bé 17 tháng tuổi tại Thường Tín (Hà Nội) bị bạo hành dẫn đến tử vong, càng đặt ra cho các cấp, ngành yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục. Hiện nay, việc phát triển về số lượng các nhóm, lớp mầm non tư thục đã mang lại những tác động tích cực, góp phần giảm bớt gánh nặng và tình trạng quá tải cho các trường mầm non công lập. Tuy nhiên, những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý hoạt động các nhóm, lớp này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Nhìn nhận từ hệ thống giáo dục mầm non hiện nay, có thể thấy, sự thiếu hụt về trường lớp và giáo viên cũng là yếu tố khiến trẻ em có nguy cơ bị bạo hành khi được bố mẹ gửi ở những cơ sở không đảm bảo về điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng. Để đảm bảo an toàn cho trẻ em tại các cơ sở giáo dục mầm non, ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ, cần có sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm từ nhiều phía, với những giải pháp thiết thực, mạnh mẽ, được thực hiện thường xuyên, liên tục chứ không phải chờ đến khi có sự việc đau lòng xảy ra mới lại rốt ráo triển khai.
Theo Báo Tin tức