Chính trị - Xã hội

'Nóng' tuần qua: Không để thiếu điện cho sản xuất, tiêu dùng; bắt tạm giam nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai

08:02, 21/05/2023 (GMT+7)

Tuần từ 15-21-5, các sự kiện nổi bật thu hút sự quan tâm của dư luận là: Thủ tướng yêu cầu không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa; Nguy cơ cắt giảm lao động số lượng lớn tại nhiều doanh nghiệp; Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng

Trong tuần qua ghi nhận nắng nóng trong cả nước với nền nhiệt độ cao, nhiều nơi trên 40 độ C. Tối ngày 18-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp trước mắt để bảo đảm nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tổng công suất các nguồn điện của hệ thống điện quốc gia hoàn toàn có thể đáp ứng tổng nhu cầu, không thiếu hụt trong dài hạn. Tuy nhiên, việc cung ứng điện có thể thiếu hụt cục bộ và ngắn hạn từ nay tới ngày 25-5, nguyên nhân là do nắng nóng gay gắt khiến nhu cầu sử dụng diện tăng cao và đợt khô hạn khiến lượng nước tại các hồ thủy điện giảm, trong khi việc nhập khẩu than từ Indonesia bị chậm, không đáp ứng yêu cầu của các nhà máy nhiệt điện.

Thủ tướng chỉ đạo các giải pháp trước mắt với yêu cầu từ nay tới ngày 25/5, không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Theo đó, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp đầy đủ than cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than trong nước, cần bao nhiêu thì cung cấp bấy nhiêu.

Các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu triển khai các biện pháp như vay, mượn, mua lại, ứng trước… than của các nhà máy khác; khai thác tối đa nguồn thủy điện cho đến thời điểm phù hợp. Tập đoàn Dầu khí quốc gia bảo đảm cung cấp khí, dầu cho các nhà máy nhiệt điện chạy khí và dầu.

Các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiến hành đàm phán theo giá tạm tính với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng và có thể phát điện ngay lên hệ thống điện quốc gia.

Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa

Chiều 18-5, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời báo chí về thông tin Trung Quốc gần đây đã mở phi pháp một nhà hàng lẩu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (nhà hàng này mở cửa kinh doanh vào cuối tháng 4 vừa qua), Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phó Phát ngôn nhấn mạnh, Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền và quyền liên quan của Việt Nam đối với quần đảo này.

Đối với các thông tin về tàu nghiên cứu của Trung Quốc hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Phó Phát ngôn khẳng định, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

"Đối với các vụ việc xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam đã, đang triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam", Phó Phát ngôn Phạm Thu Hằng nêu rõ.

Về thông tin phóng viên nêu, Philippines ngày 14-5 thông báo đã đặt các phao định hướng trong vùng biển thuộc Biển Đông, Phó Phát ngôn khẳng định rõ: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền và quyền liên quan của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC), có đóng góp tích cực cho việc duy trì, ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Nguy cơ cắt giảm lao động số lượng lớn tại nhiều doanh nghiệp

Theo đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), thời gian tới, các vấn đề về kinh tế, lạm phát, giá năng lượng, xung đột Nga – Ukraina… không được cải thiện, thì nguy cơ cắt giảm lao động số lượng lớn sẽ diễn ra ở nhiều doanh nghiệp (DN).

Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam vừa tiếp tục có thông báo cắt giảm hàng ngàn lao động do gặp khó khăn về đơn hàng. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức
Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam vừa tiếp tục có thông báo cắt giảm hàng ngàn lao động do gặp khó khăn về đơn hàng. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Bộ LĐTB&XH vừa có báo cáo Chính phủ về tình hình cắt giảm lao động tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam. Theo đó, tháng 2-2023, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đã thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 2.358 người kể từ ngày 1-4-2023.

Đến ngày 9-5-2023, Công ty tiếp tục thông báo phải chấm dứt hợp đồng lao động với 5.744 lao động (đợt 1 sẽ chấm dứt vào ngày 24-6-2023 là 4.519 người, đợt 2 sẽ chấm dứt vào ngày 8-7-2023 là 1.225 lao động).

Trong số lao động bị chấm dứt hợp đồng, có trên 80% nữ giới, khoảng 45% lao động từ 21 - 40 tuổi, trên 50% lao động từ 40 tuổi trở lên, khoảng 60% lao động có thâm niên từ 10 năm trở lên. Phần lớn trong đó là lao động phổ thông.

Nguyên nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam chấm dứt hợp động với người lao động là do gặp khó khăn, buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh vì thiếu các đơn hàng mới do các nước thắt chặt chi tiêu, giảm nhu cầu về hàng hóa dệt may, da giày; trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao do giá nguyên liệu và tác động của xung đột Nga - Ukraina.

Trước tình hình trên, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan liên quan để hướng dẫn, giải đáp các chế độ chính sách cho người lao động của Công ty; hỗ trợ DN tổ chức thực hiện chi trả trợ cấp thôi việc. Theo đó, cứ mỗi năm làm việc tại Công ty, người lao động được chi trả 0,8 tháng tiền lương; trong thời gian báo trước việc chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động không đến làm việc vẫn được Công ty trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ.

Cùng với việc hướng dẫn và thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp, là tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm; tư vấn, kết nối việc làm cho người lao động.

Theo đại diện Bộ LĐTBXH, về cơ bản, việc cắt giảm số lượng lớn lao động của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam đang được kiểm soát, tuy nhiên, trong thời gian tới, các vấn đề về kinh tế, lạm phát, giá năng lượng, xung đột Nga - Ukraina… không được cải thiện, thì nguy cơ cắt giảm lao động số lượng lớn sẽ diễn ra ở nhiều DN, tạo ra thách thức lớn trong việc giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

Công an tỉnh Lào Cai đã tiến hành lệnh khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam và khám xét nơi ở đối với ông Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai.

Công an tỉnh Lào Cai đã tiến hành lệnh khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam và khám xét nơi ở đối với ông Nguyễn Văn Vịnh; nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN
Công an tỉnh Lào Cai đã tiến hành lệnh khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam và khám xét nơi ở đối với ông Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Thực hiện việc điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại UBND tỉnh Lào Cai theo Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-CSKT ngày 23-6-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với một số người có liên quan.

Cụ thể, Công an tỉnh Lào Cai đã tiến hành lệnh khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam và khám xét nơi ở đối với ông Nguyễn Văn Vịnh, sinh năm 1960; đăng ký hộ khẩu thường trú tại số nhà 025, đường Cù Chính Lan, Tổ 10, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai; nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai vào tối ngày 18-5.

Công an tỉnh Lào Cai đã khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam và khám xét nơi ở đối với ông Doãn Văn Hưởng, sinh năm 1956; đăng ký hộ khẩu thường trú tại tổ 10, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai; nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai.

Công an tỉnh Lào Cai đã khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Ngô Đức Hoàng, sinh năm 1974, Chuyên viên phòng Kế hoạch - Tài chính, Cục Địa chất Việt Nam, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; đăng ký hộ khẩu thường trú tại Tổ 17, phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai; hiện ở tại Phòng 1505B2, Chung cư 505 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Các bị can trên bị khởi tố để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Khoản 3, Điều 281, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lào Cai phê chuẩn. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Lào Cai đang phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai tiến hành điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai.

Theo Báo Tin tức

.