Trước tình hình nguồn nước trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn cùng một số hồ chứa gặp khó khăn, các đơn vị và địa phương đang khẩn trương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất vụ hè thu và bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố.
Huyện Hòa Vang đã và đang xây dựng các tuyến mương thủy lợi thay thế các mương đất trên nhiều cánh đồng để tiết kiệm nước tưới. Ảnh: H.H |
Kiên cố hóa hệ thống mương thủy lợi là một giải pháp tiết kiệm nước tưới quan trọng cho các cánh đồng lúa trong bối cảnh khó khăn về nguồn nước, nhất là giảm thiểu thất thoát nước và dễ dàng điều hành tưới so với việc đào các mương đất. Ngay khi nông dân thu hoạch xong lúa vụ đông xuân, trên nhiều cánh đồng ở huyện Hòa Vang, các đơn vị khẩn trương thi công nhiều tuyến mương thủy lợi.
Đến giữa tháng 5-2023, khi đơn vị cung ứng dịch vụ thủy lợi bắt đầu bơm nước vào tuyến kênh chính, các tuyến mương thủy lợi mới xây dựng được trổ nước vào để đổ ải cho các cánh đồng, phục vụ sản xuất vụ hè thu. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Lê Đình Ca cho hay, huyện đã và đang xây dựng nhiều tuyến mương với tổng chiều dài 8km và đang chuẩn bị xây dựng thêm 22 tuyến kênh, mương khác.
Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng Lê Văn Sâm cho biết: “Qua tính toán cân bằng nước hiện nay, các hồ chứa nước lớn như Đồng Nghệ và Hòa Trung sẽ không thiếu nước phục vụ sản xuất lẫn sinh hoạt cho thành phố (do mùa lũ năm 2022 có lượng mưa nhiều). Nhưng đối với các các hồ chứa nhỏ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chắc chắn sẽ thiếu nước phục vụ sản xuất nếu không có lượng mưa bổ sung”.
Cũng theo ông Lê Văn Sâm, công ty đang triển khai công tác chuẩn bị để đến ngày 10-6-2023 sẽ tiến hành lắp đặt 3 trạm bơm lưu động chống hạn. Hiện nay, các trạm bơm Bích Bắc, Hà Thanh vẫn hoạt động bình thường do cao trình mực nước tại hệ thống thủy lợi An Trạch duy trì hằng ngày từ 2-2,1m do các nhà máy thủy điện xả về sông Vu Gia; khi xảy ra tình trạng mực nước hạ thấp 1,9m thì hoạt động theo giờ.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố vừa phê duyệt phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2023 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Theo phương án, tùy vào tình hình thực tế các khu tưới, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Đà Nẵng và các đơn vị quản lý thủy nông đắp các đập thời vụ trên các trục kênh tiêu chính của khu tưới từ hồ Đồng Nghệ, vận hành các trạm bơm điện chống hạn để hỗ trợ giữ nước hồ Đồng Nghệ nhằm bảo đảm đủ nước tưới. Cùng với đó, lắp đặt máy bơm lấy nước còn lại trong hồ Hóc Khế, Diêu Phong, Tân An, Hóc Gối, Đồng Tréo, Hố Cau, Hố Trảy, An Nhơn, Phú Túc, Hố Lăng để chống hạn khu mực nước hồ hạ dưới cao trình ngưỡng cống. Ngoài ra, đắp các đập thời vụ và lắp đặt các máy bơm để cấp nước cho diện tích sản xuất ở xã Hòa Liên, Hòa Sơn; tăng thời gian bơm nước trong ngày để phục vụ sản xuất tại xã Hòa Bắc...
Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam Nguyễn Đình Hải đề xuất các cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cần sớm sửa chữa, đắp lại đập tạm tại sông Quảng Huế. Mặt khác, trong thời gian đến, khi điều chỉnh chế độ vận hành các nhà máy thủy điện, các cơ quan chức năng của 2 địa phương cần căn cứ vào mực nước sông Vu Gia tại trạm bơm Ái Nghĩa để điều tiết nguồn nước.
Nhà máy nước Hòa Liên cấp nước vào mạng lưới phân phối Đối với cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng Hồ Minh Nam cho biết, Nhà máy nước Hòa Liên hiện đang được vận hành cấp nước để bổ sung vào mạng lưới phân phối. Hiện nay, độ mặn trên bề mặt sông Cẩm Lệ tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ dao động từ 400-900mg/l nên công ty vẫn đang bơm nước thô từ đập dâng An Trạch về 2 nhà máy nước Cầu Đỏ và Sân bay để sản xuất, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố. |
NAM TRÂN