Chính trị - Xã hội

Bài học đầu tiên

15:42, 20/06/2023 (GMT+7)

Trong những ngày đầu làm báo, tôi được gặp những người anh đồng nghiệp, là các nhà báo có uy tín, có chuyên môn nghề nghiệp vững chắc chỉ bảo, dẫn dắt. Qua từng bài học đầu tiên, cùng sự nỗ lực, cố gắng để tôi theo kịp nhịp đập của nghề.

Tác giả và phóng viên Phan Chung (dắt xe) trong lần công tác lên các xã khu 7 biên giới huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cuối năm 2009. Ảnh: PV
Tác giả và phóng viên Phan Chung (dắt xe) trong lần công tác lên các xã khu 7 biên giới huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cuối năm 2009. Ảnh: PV

1. Cái tin hay quá!

- Trời đất! Cái tin chết người, tàn nhẫn vậy mà mày bảo hay ?

- Dạ, ý em là…

- Ờ, ờ, tao hiểu...

Nhưng không nên nói vậy em ạ. Gì thì cũng phải đặt giá trị nhân văn, lòng trắc ẩn con người lên trên, trước hết. Phải đặt trách nhiệm với xã hội, với đồng loại lên trước trách nhiệm với bản tin, với tờ báo của mình. Đừng "mê tin" mà đánh mất cái tình người thuần túy.

Đó là một trong những bài học đầu tiên, khi tôi mới bước chân vào làm báo. Chuyện là, đầu năm 2010, tôi công tác tại tỉnh Quảng Ngãi, cho một tờ báo điện tử. Buổi sáng cà phê thường nhật của cánh phóng viên tại một địa điểm quen thuộc. Một anh đồng nghiệp nhận được từ nguồn tin, có vụ nghi cha đẻ đánh chết con nhỏ mấy tháng tuổi, ở huyện miền núi phía tây của tỉnh, báo cho anh em cùng đi làm. Với cái tin “nóng”, “sốt” như vậy, ở góc độ chuyên môn, rất “hợp gu” với tờ báo điện tử tôi làm bấy giờ, nên đã không kìm được mà thốt lên “hay quá”.

Sau màn giáo huấn của ông anh đồng nghiệp, trước bao anh em phóng viên “có số” và có tuổi, tôi vuốt mặt không kịp. Nhưng rồi, dường như ai cũng hiểu ý tôi, nên chỉ nhắc nhẹ cho nhau để tránh lặp lại “tật cũ”. Chúng tôi tìm tận nơi xảy ra vụ việc, trong vai người làm công tác xã hội, để nghe, tìm hiểu sự vụ từ những người trong cuộc một cách chân thực nhất. Qua đó, mới nhận thấy, vấn đề không đơn giản như nguồn tin ban đầu. Có những góc khuất trong cuộc sống của con người, đôi khi biến người lương thiện trở thành tội đồ ngàn năm không gột rửa hết. Dĩ nhiên, đúng - sai đã có pháp luật phân định. Chúng tôi với tư cách những người làm báo, chỉ tìm hiểu, nghe chia sẻ để viết bản tin, bài phản ánh chân thực nhất, phù hợp nhất, làm sao thu hút bạn đọc, để qua đó cảnh tỉnh lương tri con người tránh làm điều ác, điều tội lỗi. Và cũng để, dù rất cần tăng lượng tương tác (view), nhưng không biến phóng viên thành “kền kền” với những cái tít giật gân, lập lờ khái niệm.

Bài học đó làm tôi nhớ mãi không thể quên được. Dù sau này nhóm cà phê vỉa hè thường nhật để hóng tin mỗi buổi sáng - mỗi người đã có những ngã rẽ riêng. Có lẽ, người đồng nghiệp “chỉnh huấn” tôi hôm đó, cũng sẽ quên câu chuyện sáng đó chỉ sau vài ba tiếng đồng hồ, khi công việc ngày mới đã vào guồng.

2. Em cho anh xin thêm tấm ảnh vụ tai nạn ấy với nhé.

- Dạ em gửi anh.

- Em chụp gì vậy?

- Dạ…

- Thế này em ạ. Chụp vụ tai nạn, thì làm sao khi nhìn bức ảnh, bạn đọc phải thấy được, hình dung được vụ tai nạn. Chí ít cũng thấy rõ là cái xe nó tông vào ngôi nhà làm ngôi nhà biến dạng ra làm sao, để biết đó là vụ tai nạn để bạn đọc có thể phân biệt với nhà sụp, đổ do mưa bão hay sụt lở đất...

Đấy là bài học thứ hai, tôi được ông anh đồng nghiệp chỉ bảo về góc chụp, nội dung thể hiện của bức ảnh báo chí. Số là, giữa năm 2010, trong lần công tác lên các huyện miền núi phía tây tỉnh Quảng Ngãi để viết bài về tình hình chuẩn bị thi tốt nghiệp của học sinh cuối cấp. Trên đường đi, gặp vụ tai nạn hy hữu. Xe ô-tô chở gỗ đậu ngang dốc, bị mất phanh, trôi lùi tự do, tông vào ngôi nhà ven đường, làm cho ngôi nhà này sụp xuống gần hết. Chúng tôi dừng lại chụp ảnh, làm tin. Sau khi gửi tòa soạn, tôi gửi tin, ảnh cho ông anh kể trên theo dạng “chia sẻ thông tin”. Dù tin báo tôi vẫn đăng, nhưng chuyện tôi gửi cho ông anh ấy, sau đó như thế nào, tôi đã kể ở trên. Sau bài học này, mỗi lần chụp ảnh sự kiện, tôi đều ghi nhớ để làm sao tìm góc ảnh, bố cục ảnh sao cho nội dung ảnh phản ánh được bản chất sự việc, vụ việc, cho ra ảnh báo chí.

3. Cách đây hơn 10 năm, lại xảy ra một "sự cố" trên báo in khiến tôi nhớ mãi. Hồi đó tôi làm ở Phòng Bạn đọc. Sau khi nhận được phản ánh của bạn đọc liên quan đến công tác san lấp mặt bằng tại một dự án trọng điểm, tôi đến hiện trường, ghi nhận sự việc từ các bên liên quan. Sau khi bài viết hoàn thành, gửi tòa soạn, được Ban Biên tập duyệt cho đăng. Khổ nỗi, tròn 1 tháng sau, bài mới đăng. Sau khi bài báo đăng, bên liên quan là đơn vị thi công điện cho lãnh đạo báo, bảo rằng đã xử lý, thỏa thuận xong xuôi giữa các bên, sao báo còn đăng làm mất uy tín, ảnh hưởng đến công tác thi công của họ. Lãnh đạo báo lúc đó yêu cầu tôi giải trình, với điều kiện phải có ghi âm hoặc xác nhận sự việc đúng như báo nói từ phía người phản ánh ban đầu.

Để có cơ sở giải trình, tôi phải tìm lại người đã điện đến tôi “kêu cứu” hơn tháng trước. “Báo nói đúng, nhưng nếu đăng ngay thì không ai nói gì. Đằng này họ giải quyết xong, đăng làm gì nữa”, ông này nói. Sau một hồi giải thích đủ kiểu, ổng cũng xác nhận cho tôi bằng việc ký vào sổ phóng viên. Hồi đó tôi không có phương tiện ghi âm, nên phải ký xác nhận. Đó là cái non về mặt nghiệp vụ, nhiều khi nguy hiểm đến công việc, nhất là mảng xác minh đơn, thư khiếu nại, tố cáo.

Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, tòa soạn báo lúc ấy có lỗi khi tổ chức đăng bài thời sự sau 1 tháng khi sự việc xảy ra mà không yêu cầu phóng viên xác minh lại, bởi vấn đề đôi khi chỉ qua ngày là đã thay đổi bản chất. Bởi thế, hiện nay mới có việc, bài bị “ngâm” lâu, trước khi đăng, tòa soạn thường yêu cầu phóng viên xác minh lại các nội dung liên quan.

Tôi đi học trễ, đến với nghề báo chậm so với cả những người nhỏ tuổi hơn tôi nhiều. Sau khi ra trường, bước vào nghề từ con số 0 cả về kiến thức báo chí, kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ. Bởi thế, với tôi, hành trình làm báo là hành trình học hỏi từng ngày, trên từng cây số, trong từng thời điểm, giai đoạn. Với hầu hết những người anh, người bạn, cả những người em đồng nghiệp, đều là những người thầy của tôi, giúp tôi trưởng thành theo năm tháng trong công việc.

TRỌNG HUY

.