Chính trị - Xã hội
Cần có chính sách, sáng kiến phát triển lâm nghiệp bền vững ở miền Trung và Tây Nguyên
ĐNO - Ngày 28-7, Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật thành phố, Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới (Tropenbos) và Nhóm giảng viên nghiên cứu, giảng dạy môi trường và tài nguyên sinh vật thuộc Đại học Đà Nẵng (DN-EBR) phối hợp tổ chức hội thảo về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 4 với chủ đề: “Phát triển lâm nghiệp bền vững”.
Quang cảnh hội thảo về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ 4 với chủ đề “Phát triển lâm nghiệp bền vững”. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Nguyễn Đình Phúc cho rằng, rừng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên có giá trị đa dạng sinh học cao, gắn liền với đời sống đồng bào các dân tộc, có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu cho vùng và khu vực lân cận.
Khu vực này có 8,18 triệu ha rừng (chiếm 55,3% diện tích rừng của cả nước); trong đó có có 5,87 triệu ha rừng tự nhiên, 2,31 triệu ha rừng trồng; tỷ lệ che phủ rừng khu vực miền Trung đạt 54,22%, Tây Nguyên đạt 46,32%.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Nhưng hiện nay, rừng ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang chịu nhiều thách thức, như: tình trạng dân di cư tự do vẫn còn phức tạp; tình trạng mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp trên đất lâm nghiệp vẫn còn diễn ra; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng vẫn diễn ra phức tạp; cơ sở vật chất cho công tác phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế...
Do đó, những mô hình, bài học, kinh nghiệm trong phát triển bền vững cho vực miền Trung và Tây Nguyên cần được các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương học hỏi, chia sẻ... nhằm chung tay hành động, góp phần hiện thực hóa Chương trình phát triển lâm nghiệp của Chính phủ.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Thị Bích Hậu, công tác quản lý và bảo vệ rừng luôn nhận được sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, các ngành, địa phương và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các thành phần kinh tế, sự đồng thuận cao của người dân, bảo đảm an ninh rừng bền vững.
Đà Nẵng có đặc thù đa dạng về địa hình nên mức độ đa dạng sinh học rất cao với nguồn tài nguyên rừng phong phú, nhất là rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân.
Hiện nay, Đà Nẵng đang triển khai đề án điều tra đa dạng sinh học rừng từ năm 2023-2024. Thành phố cũng đang thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ tốt vốn rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các khu rừng đặc dụng, phòng hộ; phát triển rừng, nâng cao năng suất, chất lượng rừng; thực hiện các mục tiêu quản lý rừng bền vững.
Thành phố cũng đang thực hiện cơ chế, chính sách về quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch đa dạng sinh học và phân cấp quản lý, bảo vệ; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về lâm nghiệp, các chính sách của thành phố đã ban hành; tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên...
TS. Võ Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trưởng nhóm DN-EBR cho rằng, việc phát triển lâm nghiệp bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực miền Trung- Tây Nguyên đang cần những chính sách phát triển và những giải pháp cụ thể để các chính sách ấy được ban hành và đi vào cuộc sống cũng như cần có các sáng kiến.
Một yếu tố quan trọng là cần có những nguồn tài chính để có thể tiếp cận và các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho việc phát triển lâm nghiệp bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học.
HOÀNG HIỆP