Chính trị - Xã hội
Không để chính sách, thủ tục không cần thiết trở thành điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội
ĐNO - Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 12 HĐND thành phố khóa X, chiều 18-7.
Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết kết luận phiên thảo luận. Ảnh: PV |
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết, thành phố cần đẩy mạnh, nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính về đầu tư; đẩy nhanh tiến độ dự án, khắc phục các hạn chế nhằm cải thiện chỉ số PCI; quyết liệt chống tiêu cực, nhũng nhiễu; không để các chính sách, thủ tục không cần thiết thành điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố; tập trung quyết liệt các giải pháp phòng, chống tội phạm, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu nhi; quan tâm hơn nữa đến những người chấp hành án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Phân cấp, uỷ quyền đi liền với hỗ trợ nguồn lực
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Huỳnh Bá Cử, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố nhấn mạnh, thành phố đẩy mạnh phân cấp, uỷ quyền đi liền với hỗ trợ nhân lực, vật lực, tài lực; phân định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể, nhất là các công việc gắn liền với địa bàn dân cư để giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân.
Đại biểu Huỳnh Bá Cử thảo luận tại tổ. Ảnh: PV |
Theo đại biểu Huỳnh Bá Cử, liên quan đến công tác cải cách hành chính (CCHC), UBND thành phố đã có chỉ đạo quyết liệt, chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các cơ quan đơn vị địa phương; tập trung công tác CCHC lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Cải cách TTHC phải tháo gỡ được những khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Nhờ vậy, công tác CCHC 6 tháng đầu năm 2023 đạt được những kết quả nhất định. Các mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp trong CCHC bảo đảm tiến độ đề ra, mở rộng áp dụng các tiện ích hỗ trợ người dân trong thực hiện các dịch vụ công, tạo nên sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn những tồn tại hạn chế, như vẫn còn biểu hiện tiêu cực, phiền hà, thiếu trách nhiệm đối với giải quyết hồ sơ, công việc cho tổ chức người dân, doanh nghiệp trên một số lĩnh vực nhạy cảm; có tình trạng chưa quyết liệt, tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, gây ách tắc làm cản trở sự phát triển của thành phố…
Giao dịch tại bộ phận "Một cửa" Trung tâm hành chính thành phố. Ảnh: PV |
Đại biểu Cử đề xuất, thành phố thường xuyên chỉ đạo công tác rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC). Trong đó, chú trọng kịp thời phát hiện để kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, bãi bỏ TTHC hoặc quy định có liên quan không cần thiết, không phù hợp, không đáp ứng được các nguyên tắc về quy định thực hiện TTHC.
Đồng thời kịp thời cập nhật công bố danh mục, quy trình nội bộ giải quyết TTHC; tổ chức niêm yết công khai toàn bộ TTHC giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhất là thời hạn giải quyết tại bộ phận 1 cửa các cấp; thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi có hồ sơ trễ hẹn; tăng cường cơ chế phối hợp giải quyết TTHC của các cơ quan đơn vị; mở rộng cơ chế liên kết giữa các cơ quan đơn vị đối với TTHC; tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, các vướng mắc cần tháo gỡ kịp thời phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
Tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng, kết nối liên thông và nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện cho cơ quan thực hiện và cá nhân tổ chức; đặc biệt, triển khai kết nối, đồng bộ với cổng dịch vụ công quốc gia và các Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các bộ, ngành.
Cùng với đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, sự năng động, trung thực, kỷ cương, gương mẫu, tận tâm phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội trong giải quyết công việc.
Nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng
Theo Đại tá Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Công an thành phố, tính đến ngày 15-6-2023, trên địa bàn thành phố đang tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giám sát, hỗ trợ, giúp đỡ 1.067 người chấp hành xong án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ).
Đại biểu Phan Văn Dũng thảo luận tại tổ. Ảnh: PV |
Để kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác THNCĐ cho người chấp hành xong án phạt tù (CHXAPT) trở về địa phương, đại biểu Dũng cho rằng, lãnh đạo thành phố chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận thành phố và các tổ chức thành viên các cấp cần xác định công tác THNCĐ đối với người CHXAPT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.
Trong đó, Chủ tịch UBND các cấp chủ trì tổ chức thực hiện; lực lượng Công an các cấp giữ vai trò thường trực, nòng cốt; các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia và chịu trách nhiệm.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực chất công tác đào tạo nghề cho phạm nhân trong các cơ sở giam giữ; các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho phạm nhân chuẩn bị CHXAPT, người CHXAPT trở về cư trú.
Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cần tạo điều kiện, mở rộng các tiêu chí, điều kiện để được vay vốn; rút gọn các thủ tục, hồ sơ, thời gian giải quyết cho vay vốn để tạo sinh kế, việc làm đối với hộ gia đình có thành viên đã CHXAPT trở về địa phương sinh sống.
UBND cấp huyện, cấp xã tiến hành rà soát, kiểm tra tổng thể việc tổ chức công tác THNCĐ trên địa bàn, từ công tác tiếp nhận, phân công quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người CHXAPT gắn với đặc điểm riêng có của từng người, không bỏ mặc người cần THNCĐ, không giao khoán cho ngành Công an.
NHÓM PHÓNG VIÊN