Chính trị - Xã hội
Hỗ trợ, tư vấn các vấn đề về bảo vệ trẻ em
Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em (BVTE) với con số 111, ngắn và dễ nhớ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mức độ nhận biết của trẻ em trên cả nước nói chung và thành phố nói riêng về Tổng đài 111 còn hạn chế, thậm chí nhiều trẻ em vẫn không biết đến đầu số này.
Phó Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ công tác xã hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Mai chia sẻ, để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền một cách hiệu quả, trung tâm phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tăng cường truyền thông trực tiếp tại các trường học trên địa bàn thành phố.
Vừa qua, đã tổ chức truyền thông cộng đồng về Tổng đài quốc gia BVTE 111 tại Làng trẻ em SOS Đà Nẵng và Trường THPT Hermann Gmeiner. Đây là lần đầu các em được tiếp xúc và hiểu rõ về các chức năng của tổng đài. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok của tổng đài để nhanh chóng “phủ sóng” về tổng đài đến trẻ em trên cả nước nói chung và thành phố nói riêng.
Bà Nguyễn Thị Mai thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, tổng đài đặt tại Đà Nẵng đã tiếp nhận hơn 1.600 cuộc gọi và qua email. Nội dung các em cần tư vấn đa phần là những mâu thuẫn với bạn bè, thầy cô, cha mẹ, áp lực học tập, thi cử hay bắt nạt ở trường học; những băn khoăn, lo lắng liên quan đến sự thay đổi cơ thể ở tuổi dậy thì…
Đối với các cuộc gọi của phụ huynh về sức khỏe của trẻ, thay đổi tâm sinh lý của trẻ khi gặp các vấn đề rối loạn về ngôn ngữ, hành vi, cảm xúc và một số vấn đề có liên quan đến bảo vệ trẻ em qua môi trường mạng. Nếu phụ huynh, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ hiểu rõ về Tổng đài 111, gọi đến ngay khi có những nghi vấn hoặc phát giác vụ việc bạo hành, xâm hại trẻ em thì sẽ có hành động khẩn cấp được triển khai, lúc đó chính quyền sẽ nhanh chóng vào cuộc, vụ việc được xác minh và có sự can thiệp tích cực…
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê) Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, với thông điệp “Gọi Tổng đài điện thoại quốc gia BVTE 111 để thông báo mọi hành vi xâm hại trẻ em”, nhà trường đã tuyên truyền về Tổng đài quốc gia BVTE 111 và đường dây nóng bảo vệ trẻ em của thành phố 1022 thông qua các buổi sinh hoạt lớp, các buổi chào cờ đầu tuần và treo băng rôn trước cổng trường… để các học sinh biết và liên hệ khi cần được hỗ trợ, giúp đỡ. Ngoài ra, tuyên truyền trên fanpage facebook của nhà trường, zalo của các lớp nhằm tăng cường sự nhận thức cho học sinh và phụ huynh về Tổng đài 111.
Bên cạnh Tổng đài quốc gia BVTE 111, Tổng đài 1022 cũng là nơi tiếp nhận thông tin phản ánh và tư vấn về bảo vệ trẻ em. Giám đốc Trung tâm Thông tin và giám sát, điều hành thông minh thành phố Nguyễn Văn Quốc cho biết, từ ngày 29-6-2020, Tổng đài 1022 triển khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh và tư vấn về bảo vệ trẻ em qua 4 kênh gồm: Tổng đài thoại (0236) 1022 - nhánh số 6, Cổng góp ý Đà Nẵng tại đường link https://gopy.danang.gov.vn/, Zalo “Tổng đài 1022 Đà Nẵng” (chuyên mục Bảo vệ trẻ em), Fanpage Facebook “Tổng đài 1022”.
Nhiều năm qua, Tổng đài 1022 với lợi thế là đầu mối giải đáp thông tin, tiếp nhận các kiến nghị của tổ chức, công dân nhờ đó mà nhiều người dân thành phố biết đến. Dựa trên điều kiện thuận lợi này, Tổng đài 1022 sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để trẻ em biết đến tổng đài. Ông Nguyễn Văn Quốc chia sẻ: “Chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền những nội dung như “Bảo vệ trẻ em và thanh-thiếu niên khỏi nguy cơ xâm hại tình dục qua môi trường mạng”, “Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em”; “Phòng chống bạo lực gia đình”... thông qua zalo “Tổng đài 1022 Đà Nẵng” và fanpage facebook “Tổng đài 1022”.
Đây là những nền tảng mạng xã hội rất phù hợp với xu thế hiện nay của thanh-thiếu niên, các em nhanh chóng cập nhật được thông tin cũng như trang bị thêm cho mình các kiến thức hữu ích và từ đó biết đến Tổng đài 1022 với chức năng hỗ trợ, bảo vệ trẻ em. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Ban Thanh thiếu nhi - Thành Đoàn phổ biến về Tổng đài 1022.
THIÊN AN