Chính trị - Xã hội
Chất vấn những vấn đề trọng tâm của ngành tư pháp, nông nghiệp và phát triển nông thôn
Ngày 15-8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự phiên chất vấn. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn những vấn đề của ngành.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường và Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Duy Minh chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường và Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Duy Minh chủ trì điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: T. HUY |
Nâng cao hiệu quả đấu giá tài sản, giám định tư pháp
Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu về chế tài đối với xử lý vấn đề tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát lợi ích nhóm trong việc xây dựng các văn bản pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, cần thực hiện nghiêm các quy định về công chức, công vụ, cụ thể hóa các yếu tố để xem xét, xử lý kỷ luật.
Cần xem xét các yếu tố cấu thành, có liên quan đến việc chậm, hoặc thực hiện không đúng các quy định, chức trách công vụ của mình. Theo bộ trưởng, ngoài những yếu tố chế tài như ảnh hưởng đến uy tín, không bầu, không đề xuất vào các vị trí… cần nhấn mạnh hơn nữa kỷ luật công chức, công vụ, công bố đầy đủ thông tin về khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cho thôi chức vụ.
Trả lời câu hỏi nêu thực tiễn đấu giá tài sản cho thấy xác định giá khởi điểm chưa sát với giá thị trường, đấu giá còn xảy ra ép giá, thổi giá; năng lực của đấu giá viên, tổ chức đấu giá còn hạn chế, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, ở Việt Nam có hơn 90% trường hợp là đấu giá tài sản công, trong đó phần lớn là đấu giá quyền sử dụng đất.
Giá khởi điểm không phải là việc của Luật Đấu giá tài sản, mà vẫn nằm trong Luật Đất đai. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét sửa trong Luật Đất đai. Thẳng thắn thừa nhận “tình trạng quân xanh, quân đỏ là có”, nhưng “chỉ là ngoại lệ”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật Đấu giá sửa đổi hướng tới siết chặt hơn điều kiện để tham gia đấu giá. Bộ trưởng cũng nhìn nhận thời gian qua có tình trạng thông đồng, dìm giá. Trong 5 năm (từ 2018 đến 2022), Bộ Tư pháp và các đơn vị khác nhau đã thực hiện 143 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản.
Tổng mức phạt vi phạm gần 2 tỷ đồng, một số trường hợp chuyển cơ quan điều tra truy tố đấu giá viên. Về định hướng sửa Luật Đấu giá, bộ trưởng cho biết, sẽ quy định chặt chẽ hơn về quy trình, cách thức, quy chế để giảm bớt tình trạng thông đồng, dìm giá, trục lợi và đặc biệt làm thất thoát ngân sách Nhà nước. Có biện pháp tăng cường năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm đấu giá với tư cách là một nghề tư pháp đặc thù. Ngoài ra, sẽ phát triển đấu giá trực tuyến.
Bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo
Tại phiên chất vấn chiều 15-8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, trong đó có việc bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc thực hiện liên kết theo chuỗi, bộ trưởng cho biết đây là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta.
Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết. “Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng nông sản của nước ta và chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 “biến” lớn: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Trong điều kiện thế giới thay đổi hằng ngày, hằng giờ, những xung đột, những chính sách của các nước thay đổi liên tục, tính dự báo khó có thể cầu toàn, mà cần có sự linh hoạt ngắn hạn.
Trong hoàn cảnh như vậy, bộ trưởng mong muốn rằng, kỳ vọng vào việc dự báo cần có giới hạn nhất định. Những dự báo dài hạn cần nỗ lực đảm bảo tính chính xác, tuy nhiên, những dự báo ngắn hạn có sự thay đổi liên tục.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phiên chất vấn sẽ là dịp để nhìn nhận, đánh giá chính xác các hạn chế, vướng mắc, đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng công tác lập pháp; xây dựng, triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp tại Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, nâng cao chất lượng giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
Trong bối cảnh hiện nay ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Bên cạnh đó, ngành cũng cần tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050... Vì vậy, việc chất vấn đối với lĩnh vực này là hết sức cần thiết với kỳ vọng sẽ có nhiều giải pháp hữu hiệu để giải quyết những khó khăn và tạo sự phát triển bứt phá cho ngành nông nghiệp thời gian tới.
T. HUY - TTXVN