Phóng sự - Ký sự
Tác nghiệp ở Hoàng Sa
Với tôi, trong tất cả các đợt đi tác nghiệp từ khi bắt đầu làm báo đến nay, chuyến công tác kéo dài một tuần trực tiếp có mặt trên con tàu Kiểm ngư HP-926 tác nghiệp ở vùng biển Hoàng Sa là chuyến đi đặc biệt nhất. Bởi, tôi là một trong những phóng viên may mắn và vinh dự có mặt trong vùng biển “nóng” Hoàng Sa của Việt Nam từ những ngày đầu tiên, thời điểm mà hàng chục triệu con tim Việt đều hướng về Biển Đông, về chủ quyền biên giới, hải đảo của Tổ quốc.
Tàu kiểm ngư của ta bị tàu Trung Quốc ngăn cản và dùng vòi rồng phun nước khi tiến vào gần giàn khoan. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Sáng 10-5, sau khi nhận lệnh từ Ban biên tập, tôi có đúng 25 phút để chuẩn bị đầy đủ tư trang, phương tiện tác nghiệp để cùng 19 phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí khác trong nước lên tàu ra Hoàng Sa tác nghiệp. Sau khi đã yên vị trên tàu, nhóm phóng viên chúng tôi được mời vào phòng họp để nghe một lãnh đạo Kiểm ngư Vùng 4 thông báo sơ lược tình hình ngoài khơi, đồng thời cho biết việc chấp nhận ra Hoàng Sa lúc này được coi như đi chiến trường, cũng không loại trừ sắp tới sẽ có phóng viên bị thương khi tác nghiệp. Vì vậy, trước khi tàu sắp rời cảng, còn anh em nào chưa chuẩn bị sẵn sàng cho những gian khổ và căng thẳng ở Hoàng Sa thì có thể xuống tàu để trở về...
Đáp lại câu hỏi ấy là những ánh mắt thể hiện sự tự tin của cánh phóng viên. Với riêng tôi, khi nhận được lệnh đi Hoàng Sa, tôi đã rất háo hức, sẵn sàng lên tàu ngay vì đây là cơ hội hiếm và quý trong đời người làm báo, không phải phóng viên nào cũng được đến “điểm nóng” và đưa tin về một sự kiện nóng như vậy.
Sau hải trình hơn 25 giờ rẽ sóng, tàu của chúng tôi đã có mặt ở cách vị trí khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 chỉ chừng 12 hải lý. Không chỉ riêng tôi mà hầu hết những người có mặt trên tàu đều cảm thấy tự hào vì mình đang đứng trên vùng biển Hoàng Sa máu thịt của Tổ quốc, nhất là vào thời điểm mà cả dân tộc, cả hàng chục triệu người dân Việt hướng về với tình yêu mãnh liệt nhất.
Đúng lúc này, bất ngờ một tàu lớn của Trung Quốc áp sát tàu chúng tôi để dò xét. Lập tức, chúng tôi mỗi người chọn cho mình một vị trí tác nghiệp thuận lợi với tâm trạng chờ đợi vô cùng háo hức sẽ có những hình ảnh, video thực tế và chân thực nhất. Tuy nhiên, sự căng thẳng chỉ diễn ra trong mấy phút, bởi sau đó, chúng lặng lẽ rút lui về phía giàn khoan; mà lý do - vị chỉ huy trên tàu giải thích - đó là mỗi khi thấy tàu của ta mới ra thì tàu Trung Quốc áp vào thăm dò chứ chưa tấn công.
Tâm lý chung của cả nhóm phóng viên khi tới vị trí là làm sao có thể cập nhật được thông tin nhanh nhất đưa về đất liền. Tuy nhiên, khi tàu đưa các phóng viên ra đến nơi thì mọi người được chia ra các tàu nhỏ để tác nghiệp. Do đó, có 3 nhóm may mắn ở trên những con tàu hiện đại, còn chúng tôi ở trên tàu HP-926 không có vệ tinh Vinasat, giữa biển lại không có sóng điện thoại nên không thể chuyển tin, bài về ngay trong ngày, không cập nhật được những diễn biến đang diễn ra ngay tại thời điểm đó. Tôi chắc rằng, rất nhiều những cuộc gọi điện thoại từ người thân, gia đình tới tôi đều không thể liên lạc nên mọi người đều rất lo lắng. Rồi sau đó là chuỗi ngày liên tục tôi cũng như các phóng viên khác mù trắng thông tin về đất liền. Lòng như có lửa đang thiêu đốt do đã tác nghiệp trên Hoàng Sa gần một tuần nhưng tôi vẫn chưa có một dòng tin hay lời nhắn nào gửi về được tòa soạn cũng như gia đình, trong khi tư liệu thì ngồn ngộn...
Trong gần một tuần có mặt ở vùng biển Hoàng Sa, gần nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981, tôi ghi lại được khá nhiều hình ảnh, video… các tàu Trung Quốc đâm va, dùng vòi rồng phun nước vào các tàu Việt Nam làm nhiệm vụ trên biển. Có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất với tôi cũng như các phóng viên khác trên tàu HP-926 chính là thời điểm hơn 1 giờ đấu tranh căng thẳng diễn ra ngày 12-5. Tàu chúng tôi cùng lúc bị 3 tàu Trung Quốc áp sát và vây quanh. Khi đó, tàu chúng tôi và vị trí giàn khoan chỉ cách nhau khoảng 3,8 hải lý (thời điểm này duy nhất tàu chúng tôi tiếp cận giàn khoan gần nhất). Tình thế diễn ra hết sức căng thẳng.
Một tàu dịch vụ (màu vàng, không số hiệu) của Trung Quốc bất ngờ lao thẳng mũi vào giữa, phía trước mặt tàu chúng tôi. Cùng lúc này, phía mạn trái và bên mạn phải, hai tàu hải cảnh Trung Quốc kè sát từ sau, bất ngờ phun thẳng vòi rồng với áp lực cực lớn vào phía ống khói, cửa kính và thiết bị radar trên tàu HP-926 với mục đích phá hỏng. Tôi cùng 4 phóng viên khác đã mang áo phao, phương tiện tác nghiệp đầy đủ đứng phía ngoài boong. Chỉ sau khi bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng cực mạnh, quần áo và máy ảnh bị ướt và nhận lệnh của thuyền trưởng, chúng tôi mới quay vào trong khoang chỉ huy. Lúc này, từng dòng nước lớn từ vòi rồng của tàu Trung Quốc vẫn liên tục xối thẳng vào kính tàu kêu rùm rụp, chúng tôi mới thấy nguy hiểm tới mức nào. Chỉ cần một tấm kính bị vỡ thì toàn bộ đồ đạc, máy móc, trang thiết bị và cả con người trên tàu đều có thể bị áp lực lớn từ vòi rồng phun vào và thổi bay xuống biển sâu. Tuy nhiên, nhóm phóng viên trên tàu không ai tỏ ra sợ sệt mà vẫn rất bình tĩnh, đứng vững trong điều kiện con tàu nghiêng chao để ghi lại đầy đủ những hình ảnh cuộc đấu tranh này.
Sau hơn một giờ đấu tranh căng thẳng, mặc dù không ai bị thương nhưng hệ thống radar, phao cứu sinh và bộ tuyên truyền đặc biệt trên tàu chúng tôi bị phá hỏng. Tôi cùng một số phóng viên khác tác nghiệp trên tàu cũng bị vòi rồng của tàu Trung Quốc phun thẳng vào người gây hư hỏng máy ảnh, máy quay phim; nhiều sổ sách ghi chép của các phóng viên cũng bị ẩm ướt. Những ngày sau đó, tôi lại thật may mắn khi mượn được máy ảnh của tuyên truyền viên Đinh Kim Thảo (tàu HP-926) để có phương tiện tiếp tục tác nghiệp. Hầu như ngày nào cũng vậy, cứ ngay sau mỗi đợt đấu tranh của ta kết thúc, tôi lập tức mở máy tính, rồi chọn một góc bàn tại phòng sinh hoạt trên tàu để viết tin, bài. Toàn bộ những hình ảnh, video có được sau mỗi đợt tác nghiệp, tôi đều cẩn thận sao chép ra và lưu vào máy tính, thẻ nhớ và sau đó tiếp tục sao lưu qua chiếc USB với dung lượng 8GB mà tôi luôn mang theo.
Sau một tuần trực tiếp cùng ăn, ở, sinh hoạt và tác nghiệp trên con tàu HP-926, phút chúng tôi nhận lệnh rời tàu quay về đất liền để truyền tin, không chỉ tôi mà tất cả anh em phóng viên khác đều nghẹn ngào. Với tôi, đây có lẽ là một chuyến tác nghiệp đáng nhớ nhất trong suốt cuộc đời làm báo của mình.
ĐẮC MẠNH