Phóng sự - Ký sự

Khe Đương - Bao giờ hết khổ vì vàng?

Bài cuối: Thả nổi bãi vàng Khe Đương?

07:35, 26/08/2014 (GMT+7)

Trước tình trạng “vàng tặc” cày nát bãi vàng Khe Đương, gây mất an ninh, trật tự…, UBND thành phố đã có có văn bản chỉ đạo cụ thể, rõ ràng đối với các ngành liên quan và chính quyền huyện Hòa Vang trong việc bảo vệ bãi vàng Khe Đương. Thế nhưng, tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn hoành hành ở Khe Đương trước sự bất lực của các lực lượng chức năng.

Cần tìm giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để tình trạng khai thác vàng trái phép ở Khe Đương, chấm dứt nỗi khổ dai dẳng vì vàng.
Cần tìm giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để tình trạng khai thác vàng trái phép ở Khe Đương, chấm dứt nỗi khổ dai dẳng vì vàng.

Thả nổi bãi vàng?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 7-2007, UBND thành phố Đà Nẵng cấp phép cho Công ty TNHH Trường Sơn được lập dự án khai thác, chế biến vàng tại mỏ vàng Khe Đương. Đến tháng 3-2008, UBND thành phố đã cấp giấy phép cho công ty khai thác mỏ vàng Khe Đương trên khu vực 22ha trong thời gian 36 tháng. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đề nghị có thể gia hạn thêm 2 năm nếu công ty thực hiện tốt các quy định trong khai thác và chế biến.

Như vậy, theo giấy phép của UBND thành phố Đà Nẵng cũng như đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến tháng 3-2013, Công ty TNHH Trường Sơn phải hoàn trả lại bãi vàng, đồng thời có trách nhiệm hoàn thổ, trồng lại rừng theo quy định. Tuy nhiên, đến tháng 6-2014, Công ty TNHH Trường Sơn mới rút hẳn, nhưng việc hoàn thổ, trồng lại diện tích rừng chưa thực hiện. Điều đáng nói, kể từ khi giấy phép khai thác của Công ty TNHH Trường Sơn hết hiệu lực, hoạt động khai thác vàng trái phép đã diễn ra tại khu vực Khe Đương rất phức tạp, gây mất an ninh, trật tự…

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng cho rằng: Nguyên nhân chính để xảy ra nạn khai thác vàng "thổ phỉ" là do địa hình quá hiểm trở, xa xôi, phức tạp. Có khi lực lượng chức năng vừa mới truy quét xong được vài giờ thì "vàng tặc" đã quay trở lại hoạt động.

Thêm vào đó, tình trạng này đã diễn ra rất lâu, nên "vàng tặc" nhiều nơi biết đến. Ngoài ra, do bãi vàng hiện chưa có chủ nên cứ nghe tin đồn trúng vàng là người dân khắp nơi lại đổ về Khe Đương “săn” vàng. Và nếu cứ để bãi vàng này vô chủ, chắc chắn sẽ rất khó kiểm soát về tình trạng khai thác vàng trái phép tại khu vực Khe Đương như hiện nay.

Chẳng lẽ bó tay?

Để tránh thất thoát tài nguyên, bảo đảm an ninh, trật tự tại điểm vàng Khe Đương, mới đây UBND thành phố đã đồng ý chủ trương cho phép Công ty  Bông Sen Vàng được lập thủ tục thăm dò, khai thác điểm vàng Khe Đương theo diện tích đã cấp trước đây cho Công ty TNHH Trường Sơn là 22ha. Cũng theo ông Điểu, hiện Công ty Bông Sen Vàng đã hoàn tất các thủ tục, tuy nhiên theo quy định mới của Luật Khoáng sản phải có ý kiến phê duyệt của Bộ TN&MT.

Trả lời câu hỏi về việc tránh tình trạng “bình mới rượu cũ” trong việc cấp phép khai thác vàng nói riêng và khai thác khoáng sản nói chung trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Điểu cho biết: “Trước hết, chúng ta phải đánh giá và thẩm định năng lực của doanh nghiệp được cấp phép. Nếu doanh nghiệp có đủ năng lực và tuân thủ đúng quy trình trong việc khai thác vàng, thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn. Còn đối với doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác vàng, nhưng lại không thực hiện đúng theo cam kết như ký quỹ, bảo đảm khai thác đúng quy trình, quy định…, sở sẽ đề nghị thành phố rút giấy phép ngay”.

Trước thực trạng phức tạp tại Khe Đương, UBND thành phố Đà Nẵng đã giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra, truy quét, phá hủy các hầm, lò, lán trại, đường công vụ và các máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc khai thác trái phép tại khu vực mỏ vàng Khe Đương.

Kinh phí thực hiện bảo vệ bãi vàng Khe Đương do Công ty Bông Sen Vàng chi trả theo tinh thần Công văn số 4545 của UBND thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc truy quét cũng theo từng đợt, truy quét xong thì “vàng tặc” lại hoạt động bình thường. Thực tế trong những ngày “đột nhập” vào Khe Đương, chúng tôi không gặp bất cứ một chốt chặn kiểm soát nào của ngành chức năng và cũng không có bóng dáng của lực lượng ngành chức năng kiểm tra tình trạng khai thác vàng trái phép.

Ông Nguyễn Thế Tuấn, đại diện Công ty Bông Sen Vàng cho biết, vì chưa có giấy phép nên công ty chỉ cử người lên tiếp quản máy móc do Công ty Trường Sơn bàn giao lại. Còn việc người dân vào khai thác trái phép thì công ty không có lý do gì để ngăn cản. Cũng theo ông Tuấn, việc dẹp “vàng tặc” tại đây đối với dân địa phương thì không khó bởi vì ngành chức năng địa phương đều biết tên, điểm mặt hết. Vấn đề khai thác vàng không đáng ngại bằng nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng tới tính mạng người dân.

“Trong khi chờ UBND thành phố Đà Nẵng chính thức cấp phép cho công ty được phép khai thác vàng tại khu vực Khe Đương, công ty luôn sẵn sàng hợp tác với các đơn vị liên quan trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép. Ngoài ra, công ty cũng sẵn sàng bỏ ra 100 triệu đồng/tháng để hỗ trợ các lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn “vàng tặc” theo tinh thần Công văn 4545 của UBND thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, hiện tại phía công ty vẫn chưa biết ký hợp đồng với đơn vị nào của thành phố để thực hiện bảo vệ và ngăn chặn nạn khai thác vàng trái phép”, ông Tuấn cho hay.

Ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng

“Vừa qua, Sở TN&MT đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế điểm vàng Khe Đương; đồng thời tiến hành bàn giao các khu vực trước đây Công ty Trường Sơn đã khai thác dang dở để cho Công ty Bông Sen Vàng tiến hành trồng cây, cải tạo phục hồi môi trường tại khu vực Khe Đương. Hiện Công ty Bông Sen Vàng cũng đã liên hệ với các ngành liên quan để được hướng dẫn lập phương án trồng rừng thay thế, phục hồi môi trường tại khu vực Khe Đương”.

Bà Lê Thị Triên, trú thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc

“Hàng trăm người dân hai thôn Tà Lang, Giàn Bí vẫn thường sử dụng nguồn nước bắt nguồn từ rừng Hòa Bắc chảy về Khe Áo, Trái Đạn, Ba Bi để sinh hoạt. Mấy năm gần đây, nhất là vào mùa nắng nóng, nguồn nước từ khe nước này khi đổ về phía hạ nguồn thường xuyên bị đục. Nguyên nhân là do ở phía thượng nguồn, nguồn nước này được sử dụng để đào đãi vàng sa khoáng. Nước đục do bùn đất, hóa chất hòa vào đó chảy về xuôi khiến bà con hết sức lo lắng. Độc hại thế thì làm sao sử dụng được; chưa hết, nếu nó chảy ra sông Cu Đê thì càng nguy hiểm hơn”.

Bài và ảnh: ĐẠI BÌNH - TRỌNG HÙNG

.