Phóng sự - Ký sự
"Sa tặc" lộng hành
Sau khi một phần diện tích đất được quy hoạch để mở rộng Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, thuộc địa bàn phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) được chuyển giao về Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng Miền Trung (DMT) thực hiện dự án Khu tái định cư Hòa Hiệp 4 và Khu đô thị Bắc Bàu Tràm, tình trạng khai thác cát trộm tại những khu vực này lại diễn ra công khai và trắng trợn.
Tại khu vực của dự án tái định cư Hòa Hiệp 4, “sa tặc” còn dựng cả lán trại, tập kết lương thực, nước uống để ngày đêm khai thác cát. Ảnh chụp ngày 4-8-2014. |
Tung hoành cả ngày lẫn đêm
Việc khai thác cát trắng trái phép tại KCN Hòa Khánh và khu vực ven KCN này không còn là câu chuyện mới nhưng xem ra vẫn chưa có hồi kết bởi việc kiểm tra, quản lý vẫn chưa ngăn cản triệt để vấn nạn này. Tiếp nhận phản ánh của người dân sống gần đường số 5, KCN Hòa Khánh, trong hai ngày 4 và 5-8, phóng viên Báo Đà Nẵng đã đến tận nơi để chứng kiến cảnh khai thác cát trái phép đang diễn ra công khai tại hai khu vực thuộc dự án Khu tái định cư Hòa Hiệp 4 và Khu đô thị Bàu Tràm nằm bên cạnh đường số 5 dẫn vào KCN. Theo phản ánh của người dân nơi đây, việc khai thác cát liên tục diễn ra trong thời gian qua. Từng đoàn xe tải ngang nhiên chở cát ra khỏi KCN rồi tập kết tại nhiều điểm phân phối giữa các khu dân cư lân cận.
Theo quan sát của chúng tôi, tại Khu đô thị Bàu Tràm (phường Hòa Hiệp Nam), từng đoàn xe tải ra vào liên tục đã khiến con đường độc đạo dẫn vào thôn Quan Nam (xã Hòa Liên) từ quốc lộ 1A bị hư hỏng nặng. Lần theo vệt bánh xe, chúng tôi tiến sâu vào trong khu đất nằm bên trong khu quy hoạch đô thị Bàu Tràm thì chứng kiến cảnh tượng hết sức bất ngờ: hàng chục thanh niên trai tráng hì hục đào bới để khai thác cát. Người đắp đường, kẻ xúc cát lên chiếc xe tải đang đậu sẵn. Toàn bộ khu đất bị cày xới tạo thành những hố sâu. Cạnh đó, miếu thờ Hàm Trung từ nhiều đời nay của người dân địa phương nằm trơ trọi trên đồi cát rộng khoảng 80m2, cao hơn mặt bằng mới khoảng 5-6 mét. Dãy trụ điện gần 10 cột gần đó cũng bị bốc dỡ sang vị trí mới.
Cách đó không xa là Khu tái định cư Hòa Hiệp 4 (phường Hòa Hiệp Nam). Cảnh tượng nơi đây không khác gì một đại công trường. Người dân còn dựng cả lán trại, tập kết lương thực, nước uống để ngày đêm khai thác cho tiện. Khi thấy có người lạ, đoàn người dừng lại chỉ trỏ, một số thanh niên manh động còn lấy đá ném về phía chúng tôi. Bà Lê Thị Năm, trú đường Nguyễn Bá Phát, cho biết xe tải chạy ra vào cả ngày lẫn đêm không ngưng nghỉ. Cát, bụi văng đầy đường, tiếng còi hú inh ỏi khiến người dân hết sức khổ sở.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những ai có nhu cầu mua cát tại Liên Chiểu, chỉ cần liên hệ với ông K., một chủ đầu nậu chuyên cung cấp cát trắng chất lượng. Chỉ cần chồng đủ tiền, mỗi ngày ông K. sẵn sàng cung cấp hàng trăm khối cát xây dựng. Ngày 4-8, trong vai một người cần mua cát trắng, chúng tôi liên hệ với ông K. qua số điện thoại 0905.5686… để mua cát. Sau một hồi vòng vo vì chút nghi ngờ, ông K. đi thẳng vào vấn đề: “Nếu anh muốn mua thì chúng ta gặp nhau trực tiếp, khi đã gặp nhau rồi thì bao nhiêu cũng có hết, giá bán đến nơi là 150.000 đồng/m3”. Khi chúng tôi muốn biết số cát đó được khai thác ở đâu thì ông K. không trả lời và cúp máy.
Khu vực dự án Khu đô thị Bắc Bàu Tràm, “sa tặc” đào bới ăn sâu vào cả nhà dân. (Ảnh chụp ngày 4-8-2014) |
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trước thực trạng khai thác cát trộm tại hai khu vực nói trên đang diễn ra công khai cả đêm lẫn ngày, nhiều người dân tỏ ra nghi ngờ và cho rằng: Phải chăng có sự “mờ ám” nên mới có chuyện “sa tặc” lộng hành trong nhiều năm nay?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Tôn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng Miền Trung cho biết, từ khi UBND thành phố giao công ty thực hiện dự án Khu dân cư Hòa Hiệp 4 và Khu đô thị Bắc Bàu Tràm, lực lượng bảo vệ của công ty và lực lượng Công an phường Hòa Hiệp Nam, Ban Chỉ huy Quân sự quận Liên Chiểu đã có sự phối hợp trong việc ngăn chặn và xử lý nạn khai thác cát trái phép, nhưng xem ra tình hình vẫn không được khả quan cho lắm. Vài tháng trở lại đây, do giá cát xây dựng mỗi ngày một leo thang nên việc khai thác cát trộm có chiều hướng gia tăng. Trung bình một xe cát trắng khoảng 5 khối được tuồn trái phép ra khỏi khu vực của dự án, các đối tượng trộm cát đã có trong tay gần 1 triệu đồng.
Đề cập đến việc khai thác cát trộm, ông Lê Duy Du, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam, cũng thừa nhận: “Việc khai thác cát trộm tại khu vực dự án Khu tái định cư Hòa Hiệp 4 và Khu đô thị Bắc Bàu Tràm nằm trên địa bàn phường là có thật. Mặc dù hai khu vực của dự án nói trên thuộc sự quản lý của chủ đầu tư nhưng theo sự chỉ đạo của UBND quận nên trong thời gian qua, chính quyền địa phương rất cố gắng và quyết tâm giải quyết dứt điểm tình trạng này.
Tuy nhiên, các đối tượng khai thác có những thời điểm rút vào hoạt động ban đêm gây khó cho khâu kiểm tra, quản lý. Nhiều chốt chặn được lập ra để chặn đường vận chuyển cát trái phép nhưng ngay lập tức nhiều đường mới lại được mở ra. Rất nhiều lần chính quyền địa phương phối hợp với các ngành, các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra trên địa bàn những vùng thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép và kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng vi phạm, tịch thu phương tiện máy móc, đình chỉ khai thác…
Song, chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đó”. Ngoài ra, do địa hình của khu vực này nằm giáp ranh giữa quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang, đường đi lối lại nhiều… nên việc khống chế “sa tặc” hiện nay vẫn là vấn đề nan giải. Ông Du cho biết thêm, sở dĩ diễn ra tình trạng khai thác cát trộm tại hai khu vực thuộc dự án Khu dân cư Hòa Hiệp 4 và Khu đô thị Bắc Bàu Tràm kéo dài trong thời gian qua là do chủ đầu tư dự án nói trên triển khai san lấp mặt bằng quá chậm nên tạo điều kiện cho các đối tượng khai thác cát trộm lộng hành.
Bài và ảnh: T.HÙNG - ĐẠI BÌNH