Phóng sự - Ký sự

NHÀ VỆ SINH CÔNG CỘNG

Kỳ 1: Vào rồi chỉ muốn... ra thật nhanh

14:15, 13/11/2014 (GMT+7)

“Bí” quá mới phải vào nhà vệ sinh công cộng (NVSCC), xong rồi chỉ muốn ra thật nhanh. Đó là ý kiến của nhiều người khi nhắc đến NVSCC, dù đó là nơi miễn phí hay có thu tiền. Tại các địa điểm công cộng như: đường phố, chợ, bệnh viện, NVSCC đang cho thấy sự xuống cấp, thiếu văn minh và thiếu về số lượng.

Hàng trăm người nhà đi theo bà bầu ở khu chờ sinh tầng 4, Bệnh viện Phụ sản - Nhi được hướng dẫn xuống tầng 2 đi vệ sinh. (bảng hướng dẫn treo trên tường) Ảnh: THU HOA
Hàng trăm người nhà đi theo bà bầu ở khu chờ sinh tầng 4, Bệnh viện Phụ sản - Nhi được hướng dẫn xuống tầng 2 đi vệ sinh. (bảng hướng dẫn treo trên tường) Ảnh: THU HOA

Quá tải, xuống cấp...

Vào các NVSCC ở Đà Nẵng dọc tuyến đường biển, chợ hay bệnh viện, người sử dụng không đến mức phải “bóp mũi, nhắm mắt”, nhưng để gọi là có cảm giác thư giãn khi vào đây thì vẫn là chuyện xa vời. Nơi quá tải, nơi xuống cấp, cũ kỹ nhưng chưa biết đến bao giờ mới được khắc phục.

Tại Công viên Biển Đông, người dân địa phương và du khách đều không có cảm giác “ghê” khi vào 4 buồng vệ sinh công cộng ở đây vì có người trực dọn dẹp thường xuyên. Tuy nhiên, theo anh Đông, người giữ xe khu vực này, mùa hè, lượng người sử dụng quá nhiều nên cũng không thể không có mùi khó chịu.

Cách đó không xa, NVSCC biển T18, T20 có vài phòng “cửa đóng then cài” vì không chỉ du khách mà rất nhiều thợ xây dựng, dân thập phương tập trung làm việc gần khu vực này đến sử dụng dẫn đến quá tải. Hiện tất cả NVSCC dọc đường biển do Ban quản lý (BQL) bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng quản lý đều được sử dụng miễn phí nên ai cũng có thể vô tư ra vào.

Nói đến vấn đề quá tải toilet công cộng, có lẽ không nơi nào bằng các bệnh viện lớn. Một buổi sáng đầu tuần, chúng tôi vào khu lấy phiếu khám của Bệnh viện Đà Nẵng. Có khoảng gần 1.000 người đang đợi khám, chưa kể khu vực này cũng là nơi đặt quầy phát thuốc và các phòng chụp X.quang, CT nên lượng người tụ tập càng đông đúc. Tuy nhiên, toàn bộ khu vực này chỉ có 1 NVSCC! Đã vậy, khi được hỏi về giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay, nhân viên phụ trách dọn dẹp NVSCC lập tức trả lời: Muốn dùng thì mua vô mà dùng, cả ngàn người lấy đâu ra miễn phí!

Bệnh viện Phụ sản - Nhi, dù mới được đưa vào hoạt động cách đây ít năm nhưng toilet cũng trở nên quá tải và thiếu theo số lượng bệnh nhân. Tại khu chờ sinh ở tầng 4, hành lang nơi này luôn có cả trăm người nhà đi theo các bà bầu với lỉnh kỉnh đồ đùng cho bé và mẹ. Thế nhưng, muốn đi toilet, hàng trăm con người này phải chịu khó di chuyển từ tầng 4 xuống… tầng 2. Bệnh viện cũng niêm yết bảng rõ ràng: “Nhà vệ sinh công cộng ở tầng 2 gần căng-tin”, kèm theo đó mũi tên chỉ hướng đi xuống.
Đến chợ Hàn, một trong những ngôi chợ sớm thực hiện văn minh thương mại nên toilet cũng phải được quản lý, hoạt động theo hình thức… văn minh.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, những NVSCC ở đây luôn ẩm ướt và lại được đặt gần khu… bán thịt. Một người thường xuyên sử dụng NVSCC này cho biết: “Từ ngày xây dựng chợ văn minh thương mại, bồn xí xổm được thay bằng xí bệt, bà con đều biết chuyện giữ gìn vệ sinh chung, nhưng vẫn không thể sạch sẽ, khô ráo như ở nhà được”. Bên cạnh đó, vì NVSCC được xây dựng cách đây 25 năm nên không thể đòi hỏi nơi này phải mới hay đẹp, mà chỉ cần không gây mùi khó chịu ra xung quanh đã là quá… đạt.

Dơ... từ ý thức người sử dụng

Muốn biết ý thức người sử dụng NVSCC như thế nào, chỉ cần hỏi người làm công việc dọn vệ sinh sẽ rõ.

Ông Chế Viết Trực, nhân viên đội Quản lý trật tự du lịch biển, thuộc BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, ông và vợ nhận nhiệm vụ bảo vệ, dọn vệ sinh 2 NVSCC gồm 8 phòng tại bãi biển Phạm Văn Đồng. Ở đây có lưu ý là người sử dụng không được tắm, giặt vì dễ xảy ra nghẹt cống thoát nước.

Tuy vậy, không thấy bóng nhân viên “canh chừng” thì tình trạng này lại xảy ra. Ông Trực nói như than: “Nhìn chung du khách rất có ý thức, ngược lại một số thanh niên địa phương lại quá vô ý thức. Họ nhậu xỉn rồi vào làm dơ dấy khắp phòng”. Mỗi tháng, BQL cấp cho mỗi phòng vệ sinh 10 cuộn giấy. “Để giấy ra là hết ngay nên không còn mà dùng lâu dài”, ông Trực cho biết. Không chỉ là chuyện hoang phí tài sản chung hay làm dơ dáy ở “cấp độ nhẹ”, mà NVSCC tại khu vực biển T18 còn có lần bị bôi  đầy phân lên cửa buộc nhân viên vệ sinh phải ngậm ngùi lau dọn.

Mới vào nghề được một tuần, bà Nguyễn Thị Ba, trực ở NVSCC dưới chân cầu Sông Hàn, đường Trần Hưng Đạo đã nhiều lần gặp cảnh người đi vệ sinh xong rồi cứ thế bước ra mà “quên” dội nước. Bà bảo: “Tui ở quê, ít khi đi đây đi đó, nhưng luôn dặn mấy đứa trẻ chuyện giữ gìn vệ sinh khi vào toilet. Trẻ con còn phải biết, rứa mà nhiều người lớn vô đây không giữ gìn chi hết. Chắc họ nghĩ cái NVSCC ni đâu phải của họ mà dọn”.

Để nhắc nhở người dùng về ý thức sử dụng NVSCC, ông Trực từng ép plastic những trang giấy A4 có câu “Giữ gìn vệ sinh chung”, “Tiết kiệm nước khi sử dụng”… rồi dán lên vị trí dễ nhìn thấy. Thế nhưng, một vài người lại dùng đầu thuốc lá dí vào cho cháy hết chữ, có khi lột bỏ đi.

Năm 2015 sẽ xã hội hóa NVSCC

Là đơn vị quản lý các NVSCC cố định và NVSCC lưu động đặt ở các trục đường chính trên địa bàn thành phố, Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, toàn thành phố hiện có 5 NVSCC cố định được bố trí ở những vị trí khá “đắc địa”. Tuy nhiên, các công trình này hoạt động cách đây 10 năm (từ năm 2004) nên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Các NVSCC này cũng hoạt động theo hình thức tự thu tự chi, nên với mức phí 2.000 đồng/lượt thì chỉ đủ cho việc mua sắm giấy, xà phòng, hóa chất diệt khuẩn và công người trông coi chứ không thể có “lời” để thực hiện việc sửa chữa.

Đối với NVSCC lưu động, hiện công ty quản lý hơn 10 cái, còn lại chuyển giao cho BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng. Những điểm này được thành phố hỗ trợ 100.000 đồng/ngày/điểm. Chúng tôi đang đề nghị nâng mức hỗ trợ lên 150.000 đồng mới có thể nâng cao chất lượng phục vụ.

Đà Nẵng là thành phố du lịch, nên toilet công cộng cũng là yếu tố quan trọng góp phần quảng bá bộ mặt xanh - sạch - đẹp của thành phố đến với du khách gần xa. Để tiến tới xây dựng NVSCC đạt chuẩn như quy định của Bộ VH-TT&DL, trước mắt, Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng đề xuất thành phố sửa chữa, nâng cấp các NVSCC cố định và đầu năm 2015 sẽ cho quản lý theo hình thức xã hội hóa. Nơi nào sạch, đẹp, nơi đó thu hút đông người sử dụng.

Trong khi đó, BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đang trình đề án xin UBND thành phố xây dựng thêm 5 NVSCC và sẽ lắp đặt trong khu tắm nước ngọt dọc các bãi biển; đồng thời kiến nghị tăng thêm khoảng 50% lương cho những nhân viên quản lý, dọn vệ sinh tại các điểm này.

HOÀNG NHUNG - THU HOA

.