Phóng sự - Ký sự
"Sống" dưới lòng đất
Thời gian làm việc của họ phần lớn là luồn lách dưới hệ thống cống thoát nước chằng chịt của thành phố, tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm, đủ loại rác thải độc hại… với một mong mỏi thành phố ngày càng thêm sạch đẹp.
Hàng tấn rác các loại được những công nhân dọn cống thu gom, vét lên mỗi ngày. Ảnh: PHAN CHUNG |
Một ngày theo những công nhân chuyên móc cống của các xí nghiệp thuộc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng chợt nhận thấy có những niềm vui, hạnh phúc hết sức thầm kín, có khi đánh đổi bằng cả sự an toàn của bản thân.
Hôi nhưng… trong sạch
Hì hục xúc từng xô cát tại một hố lắng trên tuyến thu gom nước thải Thăng Long (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), công nhân Huỳnh Nguyên (sinh 1980) cố dọn sạch đến những cọng rác, hạt cát cuối cùng trước khi nó lấp đầy hố. Đều đặn 4 năm nay, chàng thanh niên quê Điện Hòa (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) không nhớ nổi mình đã vớt ra từ dưới những đường cống, hố lắng bao nhiêu rác thải. Rời khỏi nhà khi còn mờ tối, chạy một mạch ra tới Đà Nẵng khi mặt trời vừa ló dạng là anh bắt tay ngay vào công việc của mình.
“Nếu mình không để ý, theo dõi kỹ thì lượng rác thải sẽ lấp đầy, ảnh hưởng đến cả hệ thống vận hành, thậm chí làm hư nhiều thiết bị nữa”, anh Nguyên cho biết. Người ướt sũng, phần vì tiếp xúc với nước thải cả ngày, phần vì nóng nực do ở dưới lòng đất nhưng trên khuôn mặt của người công nhân này luôn nở một nụ cười rạng rỡ. “Việc gì cũng vậy, mình phải thực sự yêu quý và quan trọng là làm việc bằng cả trách nhiệm thì chắc chắn sẽ hoàn thành tốt, cơ quan tin tưởng thôi”, anh chia sẻ.
Kéo vạt áo thấm ướt lau những vệt mồ hôi đang chảy thành dòng trên mặt, anh Trần Đức Tuấn, công nhân Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân đùa rằng, công việc đặc thù nên anh em suốt ngày đều rất hôi hám, có khi còn bị… tránh xa vì đủ thứ mùi.
Nói rồi anh chợt nghiêm giọng: “Đùa vậy chứ có một công việc để làm, để phục vụ là hạnh phúc rồi; gia đình, đồng nghiệp đều rất chia sẻ, động viên. Lao động chỉ cần đúng pháp luật thì dù bất cứ việc gì cũng đáng được biểu dương, dù hôi nhưng rất… trong sạch”, anh cho biết.
Theo ông Phan Đức Chung, Trưởng trạm Xử lý nước thải Hòa Xuân, những công nhân khơi thông cống rãnh có một vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống hoạt động, vận hành và xử lý nước thải. “Những hố lắng là nơi thường xuyên tập trung các loại rác trôi theo dòng nước, nếu không được kiểm tra, nạo vét thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến việc thu gom, xử lý nước thải. Hơn nữa, lượng rác tập trung tại đây lâu sẽ bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu dân cư”, ông Chung cho biết.
Hệ thống thoát nước trên toàn thành phố dài khoảng 1.000km tỏa khắp các khu dân cư, tuyến đường. Những người công nhân phải túc trực mỗi ngày để kiểm tra, nạo vét đảm bảo việc vận hành, xử lý được diễn ra thường xuyên. “Sống” dưới lòng đất có khi “quên” hết mọi sự ở phía trên. Chui lên từ một miệng cống nước đen ngòm khi phố đã lưa thưa ánh đèn. Cũng có khi bắt gặp cơn mưa rào, không đủ lớn để gây ngập nhưng lại đủ để hạ nhiệt cho những con người suốt ngày loay hoay với bốn phía là bê-tông, mùi hôi, nước thải.
Những công nhân dọn cống băn khoăn trước việc kém ý thức bảo vệ môi trường của người dân. |
Những nỗi buồn không tên
Gần 11 giờ trưa, nhóm công nhân Trạm xử lý nước thải Hòa Cường đang nấp mình dưới gốc cây xanh trên đường 2 Tháng 9, sau khi móc lên từ đường ống một khối lượng lớn đất bùn và rác thải. Họ chuyền vội cho nhau chai nước suối, tiếng thở dốc phát ra liên hồi. Mồ hôi từng giọt rơi lã chã xuống nền gạch vỉa hè nóng như nung và khô tan trong chốc lát. Dưới cái nắng đổ lửa, đống bùn, rác vừa được vớt lên nhanh chóng đặc quánh lại, bốc mùi hôi nồng nặc.
Công nhân Đào Hữu Nhật cho biết, trái ngược với phố xá khang trang, sạch đẹp ở phía trên, dưới lòng cống thoát nước là nơi tập trung vô số những loại rác thải độc hại. “Mới sáng nay suýt chút nữa là dính phải cái kim tiêm. Chuyện này gặp thường ngày nên quen rồi, nhưng phải luôn cẩn thận mọi lúc mọi nơi”, anh Nhật cho biết.
Hơn 10 năm “sống” dưới lòng đất, luồn lách qua biết bao nhiêu hệ thống thoát nước khắp thành phố, anh Nguyễn Tấn Tuấn chia sẻ, rác càng ngày càng nhiều, theo nước mưa chảy xuống phía dưới cống gây tắc nghẽn.
Chỉ tay về phía trước, nơi hệ thống thoát nước của trạm, bắt đầu từ đoạn đường Trần Quý Cáp kéo dài đến hết đường 2 Tháng 9, anh tâm sự: “Thời gian đầu sau khi thành phố chia tách và thực hiện công tác quy hoạch, lượng rác thải thời điểm 10 năm trước còn rất ít, việc nạo vét vẫn diễn ra như thường nhưng chủ yếu là vét bùn, cát trên mặt đường theo nước mưa chảy xuống. Nhưng càng ngày càng có nhiều túi ni-lông, hộp nhựa, kim tiêm, chai nước các loại tấp xuống, chứng tỏ ý thức của người dân trong việc thu gom, đổ rác vẫn chưa cao”, anh trầm ngâm.
Dưới lòng đất bức bí, tối tăm cả ngày lẫn đêm, những công nhân luôn phải gồng mình để làm việc. Thỉnh thoảng khi loay hoay với xô bùn được xúc quá nặng không biết cách nào kéo lên thì những công nhân lam lũ thoáng chút cau mày khi có một mùi hôi… lạ, nồng nặc hơn phát ra, xộc vào mũi. Đó là xác một vài động vật đã chết, thối rữa trong những túi ni-lông bọc sơ sài, khi gặp nước thì vỡ bục ra.
“Những lúc đó dù có hôi đến mức nào cũng phải ráng hết sức để mang nó lên. Rồi lại phải tìm chỗ mà chôn lấp cẩn thận, nếu mình vớt lên mà để đó hoặc xử lý không đúng thì cũng bằng không”, công nhân Văn Quý Lắm cho biết. Đối với những điểm không huy động được xe tải, những công nhân nạo vét lại kiêm luôn công nhân môi trường, thay nhau xách đủ loại rác chạy một đoạn dài đến các điểm đổ rác theo đúng quy định.
Sự vất vả của những người công nhân chuyên nạo vét cống thoát nước ít nhiều phụ thuộc vào ý thức của người dân. Nhìn chung, tuổi đời của những công nhân còn rất trẻ nhưng mái tóc đều đã hoa râm, bàn tay chai sần, chi chít những vết cắt mỏng phía ngoài da, sớm đen lại sau khi tiếp xúc với nước bẩn.
Tiếp xúc thường xuyên với nước bẩn, trực tiếp nạo vét, thu gom đủ loại rác thải nhưng điều khiến họ băn khoăn nhất đó chính là nguồn rác sinh hoạt vứt không đúng chỗ của người dân mỗi ngày một nhiều. Không mệt mỏi vì công việc được giao nhưng cảm hứng, trách nhiệm, thậm chí an toàn của bản thân lại bị thách thức mỗi ngày. Cơm áo không làm họ muộn phiền nhưng tình cảm, thái độ của xã hội, người dân trôi theo từng bao rác hòa vào nguồn nước đen, đặc quánh lại khiến họ phân vân.
Đà Nẵng giờ đây phố xá thênh thang, sạch đẹp. Môi trường sống được cải thiện từng ngày. Và để có được thành quả của ngày hôm nay, không thể không kể đến vai trò của hàng trăm con người đối mặt với rác, nước thải mỗi ngày. Họ vẫn miệt mài ngày qua ngày, thu mình luồn qua nhiều đường cống, bơi, lội bì bõm trong nước thải để vun đắp cho thành phố môi trường.
PHAN CHUNG