Phóng sự - Ký sự
Sự thật xe thồ cầu vượt Hòa Cầm "chặt chém" khách
Khu vực cầu vượt Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ) từ lâu được biết đến là chốn yên bình bởi những đóng góp không nhỏ của đội xe thồ tự quản từng lập nhiều thành tích trong việc phòng, chống cướp giật, bảo đảm an ninh trật tự địa bàn. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra ở đây, cụ thể là việc đón trả khách không minh bạch, đe dọa hành khách bằng ngôn ngữ giang hồ và lấy giá quá cao đã khiến người dân, du khách thập phương vừa bước chân vào cửa ngõ Đà Nẵng không khỏi giật mình sợ hãi, bức xúc.
Một đối tượng chạy xe thồ đuổi xe taxi đón khách tại chân cầu vượt Hòa Cầm. |
“Taxi không có cửa”
Vẫn chưa hết bàng hoàng, anh L. (quê Quảng Ngãi) kể lại cuốc xe thồ đắt đỏ nhất mà anh vừa trải qua khi đến khu vực cầu vượt Hòa Cầm. 3 giờ sáng 8-9, anh L. đi xe đò từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng để lên Bệnh viện Ung thư cho kịp ca phẫu thuật của mẹ mình diễn ra vào buổi sáng cùng ngày. Vừa bước xuống xe khách, ba người xe thồ đã chạy tới vây lấy anh. Đêm khuya lại lạ đường, anh L. gọi taxi đi cho tiện.
Tuy nhiên, điều lạ là các hãng taxi tại Đà Nẵng đều bảo không có xe! Không còn cách nào khác, anh buộc phải đi xe thồ về Bệnh viện Ung thư với giá 300.000 đồng. “Tôi đi xe đò trong đêm, vượt quãng đường gần 150km nhưng chỉ tốn 100.000 đồng, vậy mà ra đây đi chục cây số đã tốn 300.000 đồng, thật vô lý hết mức. Nhưng giữa đêm khuya thanh vắng, người nhà không có, taxi không trả lời, nếu không đi xe thồ thì làm sao mà lên bệnh viện được”, anh L. bức xúc kể lại.
Để kiểm chứng thông tin anh L. phản ánh, trong hai đêm 14 và 15-9, chúng tôi trong vai những hành khách lỡ đường đã tiếp cận đội ngũ xe thồ chuyên đón khách tại cầu vượt Hòa Cầm. Những gì diễn ra tại đây giống như phản ánh của L.: độc quyền đón khách, hét giá trên trời và sẽ theo đến cùng những khách bất hợp tác!
2 giờ sáng 14-9, khi chúng tôi vừa xuất hiện tại cầu vượt Hòa Cầm, một thanh niên điều khiển xe Sirius biển kiểm soát 43S9 – 61… không đội mũ bảo hiểm trờ tới, hất hàm hỏi: “Đi đâu, lên xe, chú em là phần của anh rồi!”. Khi chúng tôi lấy cớ muốn đi taxi cho thuận tiện thì nam thanh niên này nói ngay: “Chú em lạc hậu quá, taxi không có cửa ở chỗ này”. Để kiểm chứng thông tin, chúng tôi gọi điện cho các hãng taxi để yêu cầu xe thì được các tổng đài viên trả lời là “không có xe” hoặc “khu vực cầu vượt Hòa Cầm không thể đón khách được”.
Khoảng 20 phút sau, khi đang vật vờ bên đường vì chưa biết làm thế nào thì một tài xế taxi hãng T. gọi đến từ số điện thoại 0906.402… và bảo: “Nếu muốn đi taxi, anh chịu khó đi bộ hướng về đường Cách mạng Tháng Tám khoảng 2km, qua khỏi ngã tư đèn đỏ, nếu tụi xe thồ không đeo bám nữa em sẽ chạy đến đón”. Không còn cách nào khác, chúng tôi buộc phải đi xe thồ của nam thanh niên về khu vực cầu Rồng với giá 200.000 đồng. Tôi vừa ngồi lên yên xe, chưa kịp đội mũ, nam thanh niên đã tỏ ra đắc ý: “Anh mày đã nói rồi, nếu chú tin thì đâu mất thời gian và tốn thêm tiền điện thoại”, rồi lao vút vào màn đêm.
Tương tự, đêm 15-9, khi chúng tôi vừa xuất hiện tại chân cầu vượt Hòa Cầm, một thanh niên điều khiển xe máy Jupiter mang biển kiểm soát 43X4 – 11… chạy xe chặn ngay trước mặt và khi được biết chúng tôi về Công viên 29-3 thì thanh niên này hô giá 150.000 đồng. Thấy quá đắt, chúng tôi rút điện thoại gọi taxi thì nam thanh niên này quát: “Giữa đêm khuya thế này giá đó là mềm lắm rồi đấy. Mày không đi thì có mà đi bộ à, còn không tin mày cứ gọi taxi đi, có cho thêm tiền nó cũng không dám bén mảng tới!”. Chúng tôi vừa đi bộ vừa gọi taxi, nam thanh niên vẫn chạy xe rà rà phía sau lưng chúng tôi. Khi đến ngã tư đường Cách mạng Tháng Tám - Ông Ích Đường, dù có 4 chiếc taxi chạy qua nhưng không dám dừng lại vì thấy bóng dáng xe thồ theo sau, chúng tôi buộc phải đi xe thồ đoạn đường gần 10km với giá 150.000 đồng!
Mỗi đêm, những chuyến xe khách Bắc - Nam trả không biết bao nhiêu hành khách tại chân cầu vượt Hòa Cầm. Biết bao nhiêu người lỡ bước phải ngậm ngùi “chi đậm” do bị ép giá một cách trắng trợn của đội ngũ xe thồ? Nhưng điều quan trọng hơn, hình ảnh một Đà Nẵng hiếu khách sẽ như thế nào nếu du khách vừa đặt chân đến cửa ngõ phía Nam này đã trở thành nạn nhân của nạn chặt chém, lối hành xử côn đồ của lực lượng xe thồ?
“Chuyện đó có thật!”
Được biết, khu vực cầu vượt Hòa Cầm hiện nay có đội xe thồ tự quản, được thành lập từ năm 2006, với vai trò, nhiệm vụ bảo đảm tình hình an ninh trật tự tại khu vực này. Đội xe thồ tự quản cũng nhiều lần tham gia bắt nhiều đối tượng cướp giật, trộm cắp, liên tục được các cấp biểu dương, khen thưởng. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra tại khu vực này sẽ khiến nhiều người hoài nghi.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Phước Sơn, Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, cho biết thời gian gần đây địa phương cũng nhận được một số phản ánh về tình trạng này. “Hiện đội xe thồ tự quản có 10 thành viên, ngoài ra còn có rất nhiều đối tượng khác cũng hành nghề xe thồ ở khu vực này. Quan điểm của địa phương rất rõ ràng, nếu là thành viên của đội xe thồ tự quản mà hành xử như vậy thì sẽ bị đưa ra khỏi lực lượng, thậm chí xử phạt tùy mức độ vi phạm”, ông Sơn cho biết.
Trong khi đó, theo Trung tá Lê Viết Hiếu, Trưởng Công an phường Hòa Thọ Đông, mỗi tháng lực lượng Công an đều tổ chức họp một lần với đội xe thồ tự quản để tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng săn bắt cướp và thái độ ứng xử, ra giá khi đón trả khách. “Đây là nút giao thông phức tạp, liên tục tiếp nhận nhiều người lạ ra vào thành phố. Ngoài đội ngũ xe thồ tự quản còn có hàng chục lao động từ các vùng lân cận như Hòa Phát, Khuê Trung, Hòa Thọ Tây… (quận Cẩm Lệ) về tranh thủ chạy xe thồ ban đêm kiếm thêm thu nhập. Nếu có chuyện “chặt chém”, thì đó là những đối tượng không chuyên”, Trung tá Hiếu cho biết.
Cùng quan điểm này, ông Phùng Ngọc Phúc, Đội phó Đội xe thồ tự quản khu vực cầu vượt Hòa Cầm, cho biết hiện có rất nhiều đối tượng khi đêm xuống là đến khu vực này để hành nghề. “Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, cướp giật và hành nghề xe thồ chứ không thể cấm họ hoạt động xe thồ bởi mình không có quyền và họ cũng vì miếng cơm manh áo cả. Nhiều khi nghe người ta phản ánh xe thồ cầu vượt Hòa Cầm giang hồ, chặt chém cũng chạnh lòng và bức xúc lắm bởi mình bị mang tiếng. Thiết nghĩ các cấp quản lý cũng nên yêu cầu những người chạy xe thồ ban đêm tại đây thì phải đăng ký để anh em trong tổ tự quản còn biết để nắm bắt, can thiệp nếu xảy ra chuyện gì không hay”, ông Phúc cho biết thêm.
“Chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin, tìm những đối tượng này để đối chất, xử lý. Ngoài ra, thời gian tới chúng tôi sẽ có buổi làm việc với những người hành nghề xe thồ, yêu cầu hành xử văn minh, lấy giá đúng mực để trả lại hình ảnh đẹp như trước đây tại khu vực cầu vượt Hòa Cầm”, ông Nguyễn Phước Sơn nói.
Theo chúng tôi, để khẳng định đội ngũ xe thồ chặt chém tại cầu vượt Hòa Cầm là lực lượng trong đội xe thồ tự quản “thật” hay mạo danh là chuyện không khó. Vấn đề ở đây là chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã làm hết trách nhiệm, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để lột trần sự việc này hay chưa?
Bài và ảnh: PHAN CHUNG