Phóng sự - Ký sự
Nhật ký Trường Sa
LTS: Tháng 4-2017, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam cử đoàn 190 người thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. TP. Đà Nẵng có hai nhạc sĩ vinh dự được Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Đà Nẵng, Hội Âm nhạc Đà Nẵng giới thiệu tham gia đoàn là nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh và nhạc sĩ Nguyễn Quang Khánh. Nhạc sĩ Trịnh Tuấn Khanh vừa gửi đến Báo Đà Nẵng những dòng ký đong đầy cảm xúc sau chuyến hành trình đến với quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tác giả (ngoài cùng bên phải) hát cùng chiến sĩ đảo Đá Lớn A. (Ảnh tác giả cung cấp) |
... 4 giờ 30 sáng ngày 3-4, sau một đêm gần như thức trắng ở Lữ đoàn 125 Quân chủng Hải quân, nhạc sĩ Quang Khánh thức dậy với chiếc mũ hải quân vẫn đội nguyên trên đầu suốt đêm vì không muốn rời. 8 giờ 30, toàn đoàn dự lễ tưởng niệm Tàu không số ở cảng Cát Lái. Tiếng khóc sụt sùi suốt buổi lễ, mình cũng tự nhiên khóc một trận no nê…
9 giờ 30, đoàn chỉnh tề trang phục đứng một hàng ngang tay ôm hoa bên cạnh tàu kiểm ngư KN490. Hỏi ra mới biết, bất cứ đoàn nào ra thăm đảo cũng có đoàn danh dự đi tiễn. Đoàn người yên vị trên tàu nghe 3 hồi còi tàu… Chuyến hải trình bắt đầu.
Sau 2 ngày đêm, biển lặng, tiếng đàn, tiếng hát lại vang lên. Trên loa dõng dạc: “Ban tổ chức phân chia đại biểu xuống sà lan để vào đảo Đá Lớn A, Đá Nhỏ C”. Lúc này đã 5 giờ sáng ngày 5-4.
Đoàn phóng viên, văn nghệ sĩ được xuống sà lan trước để tác nghiệp. Đây rồi! Đảo Đá Lớn. Đảo Đá Lớn thuộc bãi đá ngầm của nền san hô ngập nước, mang đặc trưng khí hậu thủy văn của quần đảo Trường Sa, mùa hè mát, mùa đông ấm. Vị trí địa lý và giá trị kinh tế đảo Đá Lớn nói riêng cũng như khu vực quần đảo Trường Sa nói chung càng khẳng định việc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
13 giờ cùng ngày, đoàn tiếp tục hải trình lên đảo Sơn Ca. Thật đúng là Sơn Ca! Đảo hình bầu dục, có nhiều cây sống lâu năm, lá sum suê, rợp bóng mát rất thích nghi với điều kiện sống của chim sơn ca. Là đảo nổi đẹp, vững chắc, có bàng vuông nhưng tìm cây phong ba hơi hiếm. Quang Khánh và tôi được hát đơn ca, tốp ca cùng đoàn văn công và lính đảo. Tôi hát ca khúc thiếu nhi “Em cũng là chiến sĩ” được nhiều người khen hay. Khánh “nổi máu” nghề đệm đàn say sưa, loa mời về tàu mà không nghe thấy.
Sau bữa cơm chiều, lại đàn ca. Hai nhạc sĩ Đà Nẵng bắt đầu có “thương hiệu”. Tuấn Khanh vừa hát vừa làm người dẫn chương trình, Quang Khánh vừa hát vừa đàn phục vụ mọi người. Nguyên trợ lý tác chiến Sư đoàn 313 Vũ Văn Tỵ (ở Vị Xuyên 1979) hát một ca khúc về Vị Xuyên; Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy (88 tuổi, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2, Tư lệnh Mặt trận Vị Xuyên) tham gia kể chuyện. Mọi người cùng nghe rồi cùng cười, cùng khóc ngon lành.
“Alô! Alô! Đã đến giờ câu cá…”, tiếng loa vang lên, xung quanh mạn tàu đã có nhiều cần câu chuẩn bị sẵn cho các đại biểu. Hai nhạc sĩ Đà Nẵng không được câu vì mọi người giữ người dẫn chương trình và nhạc công ở lại vui văn nghệ. Thỉnh thoảng, không gian lại rộn tiếng trầm trồ vì có người câu được cá. Hôm đó, mọi người câu được 2 con cá ngừ khoảng 10kg/con và một số cá nhỏ hơn. Hơi khuya, nhưng thủ trưởng vẫn cho thưởng thức món cháo cá câu được ở vùng biển của mình. Sao mà ngon thế!
Lính đảo tăng gia. Ảnh: NGỌC PHÚ |
13 giờ 30 ngày 6-4, đoàn xuống sà lan vào đảo Nam Yết. Hôm nay, cả đoàn được ăn cơm với lính đảo, giao lưu văn nghệ và ngủ lại tại đảo. Đảo Nam Yết nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa. Đất trên đảo là cát san hô nên hầu như không trồng được cây ăn quả và rau, chỉ phù hợp với cây nước lợ như: mù u, bàng quả vuông, phong ba, dừa và các loại cây leo cỏ dại. Mọi người hăm hở đi thăm đảo, chụp ảnh lưu niệm và chào cờ. Một không khí trang nghiêm và đầy xúc động. Tất cả các đại biểu được phát dép rọ, mũ hải quân có sao đứng chào cờ như những người lính.
Đang sôi nổi, bỗng không khí trầm lại khi tới nghĩa trang liệt sĩ trên đảo. Hàng trăm con người lặng lẽ tay cầm nén hương, dưới cái nắng oi bức của đảo, không một làn gió, trên má nhiều người nước mắt hòa lẫn mồ hôi. Đến giờ về hội trường, thủ trưởng có bài nói chuyện với lính đảo. Câu chuyện cởi mở, chân tình nhưng rất “điều lệnh”. Anh em lính đảo vui vẻ chia nhau khiêng những thùng quà của các ban, ngành từ đất liền gởi đảo, trong đó có cả quà của bà con miền núi. Tận mắt nhìn cảnh này, càng thấm thía không khí “Cả nước hướng về Trường Sa”.
Cả đêm 6-4, thổn thức chờ lên đảo Sinh Tồn. Sử sách đã nói nhiều về đảo này và ngay cả tên của đảo cũng đáng suy ngẫm. Nằm ở khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa, là một trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo, đảo Sinh Tồn không có nước ngọt nhưng nhiều san hô rất đẹp. Nước lợ ở đảo chỉ phù hợp với các loại cây như mù u, phong ba, phi lao, rau muống biển, cây bàng quả vuông… Ban liên lạc Vị Xuyên gởi tặng cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn bức ảnh cột cờ Lũng Nhai rất ý nghĩa do nguyên Tham mưu trưởng Mặt trận Vị Xuyên 1979 Nguyễn Đức Huy trực tiếp trao. Quang Khánh hôm nay không chơi guitar nữa mà chơi melodion harmonica nhí nhảnh, điệu nghệ, nhiều chiến sĩ vây lại chụp ảnh chung. Thế rồi, giờ chia tay cũng đến, lại bịn rịn, lại ôm nhau, lại hứa hẹn và lau nước mắt.
* 13 giờ kém 15 ngày 6-4, đang lơ mơ ngủ trưa thì loa trên tàu vang lên với âm sắc khác mọi khi. Phát thanh viên trầm giọng: “Alô! Alô! Tàu sắp thả neo, các đồng chí vào vị trí thao tác nhanh, cơ động, giờ G sắp đến. Thưa Thủ trưởng, đoàn công tác và các đại biểu, tàu của chúng ta còn cách đảo Gạc Ma khoảng 8 hải lý. Mời tất cả mọi người lên sân bay của tàu để làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh ở đảo Gạc Ma năm 1988”. Đã được báo trước, nhưng trên nét mặt ai ai cũng đăm chiêu và muốn dành riêng cho mình những phút giây lắng đọng nhất. Gần 200 con người trong đội ngũ chỉnh tề đứng dưới cái nắng gay gắt nhưng không ai tỏ ra mệt mỏi. Bài tưởng niệm của Trưởng đoàn - Thiếu tướng Lê Hiền Vân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam lắng đọng, súc tích. Bàn lư hương được thả xuống biển rồi đến vòng hoa tươi và lần lượt từng người xuống lan can tàu sát mặt nước thả con chim hạc giấy và một bông hoa tươi… Sóng biển hôm nay cũng chỉ lăn tăn gợn nhỏ, trời đổ vài hạt mưa, bản nhạc hồn tử sĩ hòa với tiếng nấc, có người khóc thành tiếng. Dưới biển, những con hạc gắn bông hoa đang cưỡi sóng bập bềnh trôi xa dần, xa khuất…, các anh chưa về được, các anh hãy yên lòng nhé. Chúng tôi sẽ thay các anh, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải giữ bằng được vùng đất, vùng trời, vùng biển và quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa linh thiêng của Tổ quốc Việt Nam.
Ngày 9-4, đoàn đến đảo Trường Sa Lớn, nơi được mệnh danh là “Thủ đô của Huyện đảo Trường Sa”. Trường Sa lớn như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa Biển Đông. Đảo có hình dáng gần giống tam giác vuông, mặt đảo bằng phẳng. Thủy triều ở khu vực đảo là chế độ nhật triều, một lần nước lên, một lần nước xuống. Thực vật trên đảo chủ yếu là cây phong ba, bàng vuông, xương rồng, phi lao, muống biển và một số loài cỏ lau thân mềm. Xung quanh đảo có nhiều loại ốc, cá, hải sâm. Thị trấn Trường Sa là trung tâm hành chính của Huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Trên đảo có nhiều công trình như nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ, nhà đèn, nhà dân, bệnh xá - Trung tâm y tế Thị trấn Trường Sa, chùa, trạm khí tượng thủy văn, nhà khách Thủ đô, Trường tiểu học Thị trấn Trường Sa…
Tàu KN940 tiến gần tới đảo khoảng gần 1 hải lý thì 3 hồi còi tàu vang lên náo nhiệt cả một vùng. Mọi người đứng xung quanh mạn tàu chờ cập đảo. Kia rồi, một đoàn người gồm Hải quân và cả người già, trẻ em, phụ nữ với áo dài đủ màu đứng chờ. Tàu từ từ cập bến. Tàu lớn kiểm ngư KN490 cập sát đảo, không phải đi ca-nô. Tâm trạng ùa về lúc này rất khó tả…
Lên đảo, sau nghi lễ chào cờ, tôi được Phó Chủ tịch UBND thị trấn cùng một sĩ quan Hải quân dẫn về thăm Trường tiểu học Thị trấn Trường Sa. Hôm nay, các em được nghỉ để đón đoàn. Trường lớp nơi đây khang trang, sạch đẹp, đồ dùng, giáo cụ trực quan phong phú. Hồ hởi trò chuyện với hai thầy của trường được khoảng 20 phút thì 14 học sinh đã có mặt. Các em biết được tập hát nên quên cả ăn kẹo vừa được tặng mà chỉ nhao nhao: “Thầy ơi tập bài gì?”. Trong số 14 học sinh có 1 em mầm non; từ lớp 1 đến lớp 5 mỗi lớp vài em. Các em tập bài “Thăm chú bộ đội đảo Trường Sa” của tôi. Sau vài lần hát theo, không ngờ các em thuộc quá nhanh, một dàn tốp ca đủ lứa tuổi thi nhau gào to, ai cũng muốn tối được biểu diễn.
… Giờ chia tay đã đến, cũng như các đảo khác, Trường Sa tiễn đoàn, hàng trăm người xếp hàng bên mạn tàu, tất cả đại biểu đứng trên boong tàu! Trường Sa vì Tổ quốc - Tổ quốc hướng về Trường sa. Đoàn người trên tàu hát, đoàn cán bộ, chiến sĩ Trường Sa xếp hàng tiễn đưa cũng hát! Tàu xa dần, lờ mờ trên đảo vẫn còn người đứng nhìn, vẫy mãi. Trên tàu cũng vậy. Một số bỏ bữa ăn đêm, tụm năm tụm ba ôn lại những khoảnh khắc vừa qua, ai cũng muốn gói thành ký ức giấu vào con tim mình.
Hải trình cuối cùng là chuyến thăm Nhà giàn DK1 vào sáng 10-4. Đoàn được đi thăm Nhà giàn Quế Đường trong số nhiều nhà giàn của Việt Nam. Quế Đường lấy tên theo phong truyền của Lê Quý Đôn (hiệu là Quế Đường). Nhà giàn vững chắc và đẹp. Diện tích không lớn nên mọi người phải chờ nhau lên từng tầng một. Các nhà giàn đã trải qua nhiều gian nan, thử thách, đặc biệt lúc gặp bão lớn… Tháng 12-1998 có 3 đồng chí vĩnh viễn nằm lại biển khơi trong khi chống chọi với cơn bão số 12 khi nhà giàn bị đổ. Ngày cuối cùng trong chuyến đi, mọi người được chứng kiến thêm sự vững mạnh của lực lượng Hải quân Việt Nam, sự hy sinh cao cả, thầm lặng của các chiến sĩ để giữ gìn từng tấc đất, từng viên san hô của biển trời Tổ quốc. Không ai bảo ai, nhưng trong lòng đều trùng nhau một ý nghĩ: Hãy tin vào tinh thần và sức mạnh dân tộc nơi quần đảo Trường Sa…
Đà Nẵng, ngày 18-4-2017
Trịnh Tuấn Khanh