.

Đừng bỏ rơi người lao động

Những dự báo gần đây cho thấy tình hình suy thoái kinh tế vẫn chưa có triển vọng đáng kể. Nhiều doanh nghiệp (DN) dường như đã kiệt sức sau hơn một năm đối phó, nay càng lâm vào tình thế khó khăn hơn. Cắt giảm chi phí, kiểm soát nguồn vốn, tận dụng điều kiện sẵn có… là những việc cần làm ngay lúc này.
 
Hệ quả là một số chủ DN buộc phải làm việc mà chắc chắn lúc bình thường họ không bao giờ mong muốn: sa thải người lao động (NLĐ). Riêng ở Đà Nẵng, hàng trăm công nhân đã mất việc. Đó là chưa kể đến số nhân viên bên ngoài các khu công nghiệp rơi vào thất nghiệp.

Không ai có quyền trách DN khi họ sa thải NLĐ, bởi đó là việc họ phải làm để bảo đảm sự tồn vong của doanh nghiệp mình. Nhưng liệu DN có còn sự lựa chọn khác hay không để góp phần bảo vệ những người đã đồng cam cộng khổ với mình trong suốt quá trình phát triển nhiều năm qua và sẵn sàng đón nhận chông gai trong bước đường sắp tới? Trong buổi gặp với 500 DN lớn nhất nước, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói rằng, hiện nay chính là thời điểm rất cần đến tình tương thân tương ái của giống nòi (chứ không chỉ là quan hệ lao động – N.Q).
 
Nó đặt ra những tiêu chuẩn cao về đạo đức bằng hành động cụ thể. Bằng những tính toán và sự cảm thông, các DN có thể hy sinh một phần lợi nhuận, thậm chí chịu lỗ trong khả năng cho phép để giữ việc làm cho NLĐ; hoặc họ sắp xếp công việc làm sao đó để hạn chế thấp nhất số người phải ra đi, mỗi công nhân làm 8 giờ/ngày nay có thể giảm đi vài giờ làm để đồng nghiệp mình khỏi rơi vào hoàn cảnh khó khăn túng quẫn; hoặc giảm những chi tiêu để hỗ trợ cuộc sống của NLĐ, chỉ nhịn một chai bia, chủ DN cũng có thể dư ra cả một ngày lương dành cho công nhân của mình...

Giữ việc cho NLĐ tuy có vẻ giống nhưng tuyệt đối không phải là làm từ thiện, mà đó là một sự đối đãi có trước, có sau, có tình, có lý, thậm chí có cả toan tính lâu dài. Mỗi DN tồn tại, phát triển đến thời điểm này đều hiểu rằng, không ai khác, chính NLĐ đã góp phần quan trọng làm nên điều đó. Nhiều công nhân hẳn đã phải uống thêm cà phê để thức tăng ca cho kịp đơn hàng, nhiều viên chức đã phải mỏi rời mắt trong màn hình để truy tìm dữ liệu phục vụ cho công việc ngày mai.

Sự tận tụy ấy, có thể thấy được hay thầm lặng trong chuỗi ngày lao động, chắc chắn đã góp phần làm ra của cải và cả sự huy hoàng của DN. Có lẽ, chủ DN hiểu hết điều ấy và đây chính là thời điểm để họ đáp lại bằng hành động của mình. Nếu suy nghĩ lạc quan hơn, biết đâu giữ được NLĐ trong lúc khó khăn này chính là đặt nền tảng cho tương lai sáng sủa phía trước?

Việc làm, đó chính là cơm ăn, nước uống, chỗ ở, là hy vọng, tương lai của NLĐ. Tin rằng, mỗi chủ DN đều hiểu sâu sắc điều ấy và họ không thể vì khó khăn của mình mà tước đi tất cả, khi họ vẫn còn sự lựa chọn khác.

NGUYÊN QUÁN

;
.
.
.
.
.