.

Lạm bàn chuyện tam nông

Tết Nguyên đán Kỷ Sửu đã trôi qua, nhường chỗ cho những lo toan tất bật thường nhật. Vấn đề khủng hoảng tài chính toàn cầu, hậu lạm phát và tình hình giảm phát của nền kinh tế, dù đã được cảnh báo từ trước Tết, song những con số thống kê ngay từ những ngày đầu tháng 2-2009 cũng không khỏi làm cho chúng ta lo âu: đó là kim ngạch xuất khẩu, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều giảm đáng kể.

Từng lo âu thắc thỏm khi chỉ số giá tiêu dùng gia tăng chóng mặt trong năm 2008 và đến những ngày đầu năm 2009, chúng ta đã thở phào nhẹ nhõm khi nạn lạm phát được chặn đứng bởi các biện pháp điều hành hiệu quả của Chính phủ. Chặng hành trình đầu tiên của con thuyền vượt qua bão tố, thác ghềnh đem đến cho mỗi người một niềm tin về người cầm lái.

Còn một vấn đề khác không có tính chất nóng bỏng thời sự như lạm phát, giảm phát, nhưng hiện thu hút sự quan tâm vô cùng lớn của xã hội, đó là vấn đề “Tam nông” (nông nghiệp - nông thôn - nông dân).
Nghị quyết 26 của Đảng (được gọi là Nghị quyết Tam nông) vừa được thông qua đã đặt đúng vị trí quan trọng của tam nông trong đời sống xã hội Việt Nam như nó đã từng tồn tại bấy lâu nay trong lịch sử.

Trong đó, ấn tượng nhất là các mục tiêu: “Đến năm 2010 sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp; tại các huyện còn trên 50% hộ nghèo, tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn. Đến năm 2020: tốc độ tăng trưởng nông-lâm-thủy sản đạt 3,5-4%/năm; nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp 2,5 lần so với hiện tại; lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt hơn 50%...”.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn cho rằng, Nghị quyết Tam nông không chỉ có tính đột phá về tư duy, đưa ra cách nhìn rất mới về tam nông, mà còn là bước đột phá trong các giải pháp thực hiện. Theo đó, cư dân nông thôn vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển xã hội. Nông dân không phải là lực lượng chịu thiệt hại cần trợ cấp nhân đạo, không phải là lĩnh vực lỗi thời phải hy sinh, mà là lực lượng tiên phong, xung kích, mở đường cho quá trình đổi mới, là động lực trực tiếp trong quá trình CNH - HĐH.

GS.TSKH Võ Tòng Xuân thì thực tiễn hơn: Nông thôn bây giờ thiếu việc làm, dân trí thấp, hạ tầng cơ sở yếu kém. Cần đầu tư nhiều hơn cho giao thông nông thôn thì nông dân có việc làm, thương mại phát triển, dân trí cũng sẽ được nâng lên. Phải làm cho tam nông được hưởng lợi nhiều hơn.

Ông Lê Thanh Minh, Giám đốc Công ty Điện lực Đà Nẵng, trong lần trò chuyện với các nhà báo, cho biết: năm 2008, Công ty của ông đạt được 2 chỉ tiêu lớn: 1 tỷ kWh điện thương phẩm và đưa điện về phục vụ đến tận hộ nông dân. Ông Minh rất tâm đắc với chỉ tiêu thứ 2 và cho rằng, đấy là cái cách mà Công ty Điện lực Đà Nẵng “đưa Nghị quyết 26 về vấn đề Tam nông đi vào cuộc sống”.

Chúng ta mong rằng, bằng những cách làm cụ thể và thiết thực, các ngành chức năng, các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị sẽ chung tay góp sức làm cho Nghị quyết Tam nông được hiện thực hóa, đem lại lợi ích cho người nông dân từng chịu nhiều thiệt thòi, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn và từ đó chung tay phát triển đất nước mạnh giàu thêm.

HẢI HÀ

;
.
.
.
.
.