Lâu nay, dư luận đã phản ánh được phần nào tình trạng bức xúc về thiếu việc làm ở nước ta nhưng dường như vấn đề này còn chưa được đặt ra thấu đáo. Thực ra, vấn đề lao động và việc làm luôn là mâu thuẫn nảy sinh trong mọi nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế phát triển, không kể nó theo hướng nào.
Dân số tăng, nhu cầu thu nhập luôn vượt trước nhu cầu sinh hoạt, việc làm là sức ép không ngừng tăng từ phía xã hội đối với kinh tế. Ngược lại, kinh tế càng phát triển thì nhu cầu về việc làm và chất lượng lao động cũng tăng theo. Chỉ cần sự mất cân đối giữa lao động và việc làm quá mức cho phép sẽ xảy ra những xáo trộn xã hội khó lường trước.
Mỗi năm, dân số nước ta tăng thêm khoảng 1,2 triệu, bằng số dân của một tỉnh trung bình. Đồng thời với số dân hằng năm tăng lên, một lượng tương đương lao động cũng được bổ sung trong khi việc làm mới chỉ bảo đảm được cho khoảng 60% đến 70% số lao động này, đây là lực lượng tiềm tàng của đội quân thất nghiệp. Trong khi đó, theo một thống kê đáng tin cậy, chỉ trong 5 năm, 350.000 héc ta đất nông nghiệp đã mất cho các nhu cầu giao thông, thủy lợi, nhà ở, khu công nghiệp, phát triển đô thị, đẩy hàng vạn nông dân rơi vào cảnh không có đất mà với nông dân, không có đất tức là thất nghiệp. Đội quân này sẽ làm cho việc hạn chế thất nghiệp trong xã hội càng thêm nan giải.
Cùng với nhu cầu việc làm tăng lên của tự thân nền kinh tế nông nghiệp đất hẹp người đông, dân số tăng nhanh, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng ngày càng sâu sắc đến nước ta thể hiện qua các hợp đồng kinh tế ít dần, thị trường bị thu hẹp hoặc đóng băng, hàng hóa tiêu thụ chậm. Tình trạng này đã buộc các doanh nghiệp phải đóng máy, giảm giờ làm, dãn thợ. Tình trạng thiếu việc làm, nghỉ việc tạm thời có trợ cấp và thất nghiệp không thời hạn đã trở thành khá phổ biến.
Từ cuối năm ngoái, trước dịp Tết Nguyên đán đã có khoảng 300.000 lao động mất việc làm. Theo dự báo, năm nay, số người thất nghiệp sẽ tăng lên, chủ yếu là ở các ngành công nghiệp nhẹ, lao động phổ thông trên các công trường xây dựng. Cũng do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các hợp đồng về lao động xuất khẩu cũng chững lại, nhiều khu vực giảm đi, ảnh hưởng đến chỉ tiêu xuất khẩu 0,5 triệu lao động mỗi năm.
Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm chủ yếu là ở nông thôn do dân số tăng và sự gia tăng ngày càng nhanh của nhu cầu nhà ở của nông dân, nhu cầu phát triển đô thị, khu vui chơi giải trí, các khu công nghiệp, đường sá, công trình thủy lợi… Cách đây 30 năm, “phá xiềng 3 sào” là mục tiêu của vùng đồng bằng sông Hồng, ngày nay giữ vững bình quân 2 sào Bắc bộ/nhân khẩu ở vùng này đã trở nên khó khăn. Đến nhiều làng xã, dễ nhận thấy tình trạng thiếu vắng lao động trẻ, đồng ruộng bỏ hoang do thanh niên bỏ ra thành phố. Việc đưa khoa học-kỹ thuật vào nông nghiệp, chuyển đổi ngành nghề, cuộc cách mạng về giống cũng làm dôi dư một lượng lao động không ít ở nông thôn.
Nhưng thừa vẫn thừa mà thiếu vẫn thiếu. Thừa lao động phổ thông nhưng lao động có chất lượng cao vẫn thiếu nghiêm trọng, nhất là trong các ngành công nghệ cao, lao động xuất khẩu. Theo thống kê, chỉ trên 20% lao động ở nước ta được đào tạo tốt, phần còn lại chất lượng rất thấp, nhất là tay nghề, ngoại ngữ, ý thức lao động, sức khỏe, thể hình. Đây là bài toán chưa có lời giải nếu hệ thống giáo dục phổ thông, dạy nghề… kể cả nhận thức xã hội còn như hiện nay, trong khi muốn phát triển kinh tế, một trong những giải pháp hàng đầu là hạn chế thất nghiệp.
Vũ Duy Thông