.

Trách nhiệm và đạo lý

Cách đây 62 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng và chọn ngày 27-7-1947 làm “Ngày Thương binh toàn quốc”, sau đổi thành “Ngày Thương binh-Liệt sĩ”, để toàn Đảng, toàn dân ta tỏ lòng “hiếu nghĩa bác ái” và biết ơn đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ.

Kể từ đó đến nay, ngày 27-7 hằng năm trở thành ngày có ý nghĩa đặc biệt, ngày mọi người dân Việt Nam có những việc làm thiết thực thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tôn vinh và biết ơn các anh hùng, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ sự đền ơn, đáp nghĩa thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công cần phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, bằng sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần do Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện.

Người đã xây dựng cho mọi người một quan niệm hết sức đúng đắn khi giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ: “Nên coi đó là nghĩa vụ của nhân dân. Không nên coi đó là việc “làm phúc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đi đầu trong việc vận động cũng như góp công, góp sức vào phong trào đền ơn đáp nghĩa. Phong trào sổ tiết kiệm tình nghĩa, ngôi nhà tình nghĩa mà cả xã hội đang quan tâm đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng cách đây hơn 60 năm.

62 năm qua, chính sách ưu đãi người có công đã không ngừng được bổ sung, đổi mới, trở thành chính sách quan trọng trong hệ thống chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta, đã đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận giữa “ý Đảng, lòng dân” và trở thành động lực của phong trào cách mạng. Đó là hệ thống các chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, học nghề, chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng, cải thiện về nhà ở, miễn, giảm thuế, ưu đãi tín dụng, ưu tiên giao đất sản xuất để phát triển kinh tế, giảm nghèo, về tôn tạo và xây dựng nghĩa trang liệt sĩ...

Chiến tranh đã đi qua 34 năm, nhưng hậu quả của nó để lại cho đến nay vẫn còn nặng nề. Bất cứ nơi đâu trên đất nước ta, đặc biệt là trên mảnh đất Quảng Nam-Đà Nẵng “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” giờ đây vẫn còn nhiều người là thương binh, là cha mẹ, vợ con và thân nhân của liệt sĩ sống trong cô đơn, khó khăn và bệnh tật... Họ đang rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của toàn xã hội.

Trong những năm qua, công tác chăm lo các thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với cách mạng luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quan tâm thực hiện không chỉ đòi hỏi tinh thần trách nhiệm mà còn là sự tự nguyện của các cá nhân, tập thể, các doanh nghiệp trên địa bàn, thể hiện lòng biết ơn đối với các đối tượng chính sách.

Mặc dù thời gian qua, tình hình kinh tế của thành phố suy giảm, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng việc chăm lo cải thiện đời sống của thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công luôn được quan tâm đứng mức. Trong năm 2008 vừa qua, toàn thành phố đã huy động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hơn 6.812 triệu đồng, và năm 2009 này phấn đấu mức huy động tăng hơn năm 2008: 21,46%.
 
100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được phụng dưỡng; nhiều thương binh, thân nhân liệt sĩ được tặng nhà tình nghĩa, được tặng sổ tiết kiệm, được giới thiệu việc làm, vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế gia đình để đạt được mục tiêu ổn định và nâng cao mức sống của các đối tượng chính sách bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.

Công tác tôn tạo, sửa chữa, nâng cấp các nghĩa trang,  đài tưởng niệm ghi công liệt sĩ được các ngành, các cấp, các địa phương trong thành phố quan tâm đầu tư. Cũng trong dịp 27-7 năm nay, UBND thành phố đã đề nghị truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 9 trường hợp và Huân chương Độc lập cho các gia đình có nhiều liệt sĩ; trích kinh phí với tổng số tiền hơn 4,3 tỷ đồng tổ chức thăm, tặng quà các đối tượng chính sách và các đơn vị trên địa bàn.

Kỷ niệm 62 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ năm nay là dịp để biểu dương sự vươn lên, tinh thần vượt khó, phát huy truyền thống cách mạng của các gia đình chính sách. Đồng thời, chúng ta nhìn lại những kết quả đã đạt được, ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, và công tác chăm lo đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng.
 
Chúng ta hy vọng rằng các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, thu hút được sự quan tâm của các ngành, các cấp, các địa phương cũng như sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trong thành phố.

Hãy có những việc làm thiết thực, tiếp tục góp phần vào công tác chăm sóc, giúp đỡ các thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Đó là đạo lý, là trách nhiệm đối với những người đã hy sinh xương máu để giành độc lập tự do, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho chúng ta hôm nay.

QUỐC TÍN

;
.
.
.
.
.