.

Một chương mới của bóng đá Đà Nẵng

1- 

Hôm qua là một buổi chiều chủ nhật khó quên của người Đà Nẵng. Không chỉ là một vạn rưỡi khán giả đến sân Chi Lăng để đón mừng chiếc cúp vô địch quốc gia của mùa bóng 2009, bởi không khí hội hè mừng “tân vương” đã diễn ra trên nhiều đường phố hơn một ngày trước đó của Hội cổ động viên môn thể thao vua Đà thành.

Và người dân Đà Nẵng yêu bóng đá, yêu đội bóng của mình theo cách của chính họ, khác với Bình Dương, Long An hay Hoàng Anh - Gia Lai những năm trước. Cần phải nhấn mạnh điều này khi mà hầu hết những cầu thủ nội trong đội hình đều là con em đất Quảng, đều là những hạt giống được đào tạo trong “lò” Đà Nẵng, do rèn luyện gian khổ và được yêu thương dìu dắt mà trưởng thành lên. Bóng đá Đà Nẵng đã biết chọn giống, gieo trồng, chăm bẳm và gặt hái chính bằng con người và đất đai của mình. Hãy nhớ lại những ngày tháng mà Quốc Anh, Phước Vĩnh, Hải Lâm trở về từ những lỗi lầm của tuổi trẻ trong đội tuyển U23 để bây giờ là những trụ cột vững vàng.

Hãy nhớ lại ngày Lê Huỳnh Đức từ giã TP. Hồ Chí Minh ra đầu quân cho Đà Nẵng để bây giờ là một HLV danh tiếng và trẻ nhất trong những HLV đoạt cúp vô địch. Nhớ để thấy rằng những vòng tay nghĩa tình và tấm lòng trọng tài năng của những người lãnh đạo chính trị cũng như chuyên môn ở Đà Nẵng đã thổi vào một sinh khí cho đội bóng (cũng như cho nhiều lĩnh vực khác!) và tạo ra bệ phóng để đưa họ đến thành công.

Chiều hôm qua, trên sân Chi Lăng sau lễ nhận huy chương và cúp vàng của đội vô địch, tôi đã hỏi chuyện cả hai anh em Thanh Phúc và Thanh Hưng. Trong những đôi mắt còn đỏ au vì xúc động, hai cầu thủ này đã cho biết, thành công của họ bây giờ không thể tách rời công sức của những người thầy từ những ngày luyện tập và thi đấu trong những giải trẻ. Thanh Hưng còn cho biết với tuổi 22, năm nay anh và các đồng đội sẽ còn tiếp tục bảo vệ chức vô địch U21 báo Thanh Niên để tiếp tục khẳng định “thương hiệu” của đào tạo bóng đá trẻ Đà Nẵng trong làng bóng Việt Nam.

2-

Nguyễn Rogerio là nhà tân vô địch - là người nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam duy nhất trong đội hình SHB Đà Nẵng. Anh chính là linh hồn của tuyến giữa của đội vô địch V. League năm nay. Trả lời những câu hỏi của tôi sau khi nhận huy chương, anh cho biết không có gì hạnh phúc hơn là giành được chức quán quân trong môn thể thao mà mình yêu thích và cống hiến. Chiếc huy chương vàng của Rogerio sẽ được anh giành cho gia đình mình và cho cả những người hâm mộ Đà Nẵng. Anh sẽ còn tiếp tục chơi bóng ở thành phố này nhiều năm nữa vì ở đây anh có những đồng đội, những người bạn coi nhau như người nhà.

Nhưng một điều không kém quan trọng là Rogerio sẽ cố gắng cùng đồng đội bảo vệ chức vô địch đồng thời phấn đấu để có chân trong đội tuyển quốc gia với tư cách là “người Đà Nẵng” trong thời gian sớm nhất. Cái chất Đà Nẵng trong con người Việt gốc Brasil này là sự quyết liệt, “chơi tới bến” khi ra sân thi đấu mà ai cũng yêu mến. Cái chất đó chính là yếu tố trội mà người Đà Nẵng đã thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống, ngoài bóng đá để rồi khi nhìn quả bóng lăn ta lại thấy bóng đá với cuộc đời đều có những thuộc tính giống nhau!

Và như chúng ta đã biết, chính Nguyễn Rogerio chứ không phải ai khác, đã thổi khát vọng cống hiến của mình cho những đồng hương Almeida, Gaston, Cocchi tiếp tục ở lại Đà Nẵng trong lúc không thiếu những yếu tố vật chất quyến rũ và hấp dẫn hơn từ nhiều nơi khác trước mùa bóng mới. Thông qua Rogerio, ta lại một lần nữa thấy cái sự “trọng nghĩa tình” cũng khá có ý nghĩa trong bóng đá!

3-

Bóng đá Đà Nẵng là một thế lực không phải mới như một số nhận định, bởi nó vẫn tiềm ẩn những yếu tố của một thế lực từ rất lâu rồi trong tính cách của người Đà Nẵng: Làm ra làm, chơi ra chơi! Nhưng làm và chơi đều phải có bản sắc. Những năm bóng đá Đà Nẵng “thậm thà thậm thụt” vừa qua không phải do thực lực mà chính là những tác động ngoài bóng đá, những thứ tác động của kiểu “làm không ra làm, chơi không ra chơi”. Và vì cái kiểu sọc dưa đó, người ta sẽ khó làm được việc lớn cũng như khó chơi cho đàng hoàng!

Một cổ động viên bóng đá lâu năm ngồi với tôi trên sân Chi Lăng chiều qua nói, sức hấp dẫn của môn thể thao này chính là ở chỗ nó rất giống với cuộc đời. Cuộc đời nào? Tôi hỏi. Và anh ta trả lời: Hàng tiền đạo cũng như anh chồng cật lực kiếm tiền mà chị vợ- là một hàng hậu vệ và thủ môn- cứ đi mua số đề, đánh xập xám chướng thì gia đình đó khó mà giàu lên được. “Đội Đà Nẵng bây chừ tuyến mô cũng mạnh đều, rứa là sẽ ăn nên làm ra”, anh ta kết luận.

Chuyện phiếm trên sân Chi Lăng với người bạn yêu bóng đá này vào một buổi chiều Lê Huỳnh Đức dẫn các học trò của mình lên nhận cúp vô địch, tôi chạnh nghĩ, Đà Nẵng đã và đang vượng lên ở nhiều mặt, chứ không chỉ là bóng đá!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.