.

Không chỉ là con cá…

Chỉ đạo việc tập trung giải quyết mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của kế hoạch 6 tháng cuối năm 2009, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Bá Thanh đề nghị ban hành quy định dừng đánh bắt cá trên vùng biển bên ngoài bán đảo Sơn Trà trong tầm 2km với thời gian 3 – 5 năm để tạo nguồn lợi lâu dài trong việc phát triển du lịch câu cá với đẳng cấp quốc tế.

Có thể nói rằng đây là một cách đột phá đáng chú ý nữa của Đà Nẵng trong định hướng phát triển bền vững – vừa có tác dụng mở ra tiềm năng du lịch mới, đồng thời kết hợp với công tác bảo vệ môi trường để cho thành phố đẹp hơn, xanh hơn, giàu mạnh hơn.

Đà Nẵng có ưu thế vượt trội là có dải bờ biển nằm trong top 50 bãi biển đẹp nhất thế giới. Nếu không biết tận dụng nguồn lợi vô giá từ thiên nhiên – tổ tiên để lại thì rất uổng phí. Bồi đắp và giữ gìn tài nguyên thiên nhiên là yêu cầu bắt buộc của mọi sự phát triển hài hòa trong thời đại ngày nay. Việc ngừng đánh bắt cá (trước mắt và lâu dài) vùng biển Sơn Trà là điều kiện cần, hay có thể gọi là bước đi thứ nhất của định hướng trên.

Mặt khác, muốn có điều kiện đủ, rất nên có các biện pháp phối hợp liên ngành, đồng bộ. Chẳng hạn, mở hướng nghiên cứu nuôi, trồng hải sản thích hợp với đặc thù sinh thái Sơn Trà để tác động trực tiếp, nhanh chóng, ổn định đến khả năng làm giàu nguồn sinh vật biển ở đây, là một cách đi phải có chiến lược rõ ràng. Bên cạnh đó, đề án cải tạo tàu đánh cá thành tàu du lịch – câu cá chỉ có thể coi là cách đi tạm thời.

Về lâu dài, chính quyền nên đầu tư cho ngư dân – những hướng dẫn viên du lịch không chuyên mới, về kiến thức và trang bị hiện đại phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Có như thế mới có thể đan xen, kết hợp mô hình văn hóa biển truyền thống với hiện đại, nhằm tạo ra tính da dạng trong ngành du lịch cùng sản phẩm du lịch đặc thù.

Cha ông xưa nói, Nghề… câu cũng lắm công phu! Câu cá trên biển, lặn biển không chỉ cần 3S: Sea, Sun, Sand (biển, mặt trời, cát); mà còn cần đến sea sound (âm thanh biển – văn hóa biển) và safety (an toàn, được bảo vệ). Du khách – nhất là du khách nước ngoài không thể nào cảm thấy thoải mái nếu môi trường xung quanh đầy rác, bao nilon, củi, cành cây…; như lâu nay vẫn thấy rất nhiều, cho dù ngành môi trường đã cố gắng không ít.

Văn hóa biển đặc thù Đà Nẵng là điều nhất định phải có. “Phải có” trong trường hợp này là các cấp lãnh đạo, những nhà trí thức phải có những cuộc họp – hội thảo mang tầm chiến lược để định hướng việc xây dựng, kiến tạo cho bằng được một không gian kiến trúc riêng, những hoạt động lễ hội, văn hóa riêng.

Mô hình lễ hội pháo hoa hay cầu Rồng, cầu Thuận Phước, Tòa nhà hành chính…, là những dẫn chứng điển hình để nói lên rằng Đà Nẵng hoàn toàn có thể tạo ra cho mình một gương mặt văn hóa mới mẻ, sáng tạo, ấn tượng. Suy cho tới cùng, nếu vì thành phố còn quá trẻ thì chúng ta sẽ tạo nên nét trẻ riêng biệt của nó. Có như thế thì 50 năm hay 100 năm sau, con cháu sẽ nói rằng thành phố của chúng ta không trẻ nữa nhưng độc đáo, quyến rũ rất nhiều…

 Con cá bơi yêu nước…, con người yêu quê hương xứ sở; du khách đường xa yêu và cảm cái chất riêng sâu lắng. Tất cả những điều đó đã phần nào trở thành hiện thực. Nếu có sự đồng lòng, quyết tâm, chung sức và chung ý tưởng mạnh bạo, sắc sâu từ rất nhiều nguồn lực; chắc chắn Đà Nẵng không chỉ có bãi biển đẹp nhất mà còn là một trong những thành phố để cho ai cũng có thể cảm thấy rằng Khi ta xa đất bỗng hóa tâm hồn…

KHÁNH CHI

;
.
.
.
.
.