.

Nhà sạch, phố sạch và đô thị sạch

Cùng với các chương trình “5 không”, “3 có”, mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành thành phố sạch nhất nước được thể hiện rõ trong chiến lược phát triển, cơ cấu kinh tế, chính sách ưu đãi đầu tư. Trong công nghiệp, ưu tiên cho những dự án công nghiệp sạch, các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao; tiến hành di chuyển những cơ sở công nghiệp, các cơ sở chế biến có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao ra khỏi các khu dân cư; nghiêm cấm việc chăn nuôi gia súc, gia cầm trong các quận, phường nội thành.
 
Thành phố cũng đã chỉ đạo, đầu tư nhằm khắc phục tình trạng các cơ sở sản xuất xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; đầu tư xử lý những điểm đen về môi trường như Bàu Tràm, bãi rác Khánh Sơn, sông Phú Lộc, Cảng cá Thọ Quang, hệ thống các cổng xả nước thải thẳng ra biển... Việc tổ chức thu gom, xử lý rác tại các khu dân cư, các bãi biển được tiến hành thường xuyên, góp phần để thành phố ngày càng sạch hơn.

 Xây dựng “Đà Nẵng – đô thị sạch” cần đề cập đến một nội dung rất quan trọng là phố phường phải xanh và sạch. Đường phố, vỉa hè không có cảnh lấn chiếm bừa bãi làm nơi dựng xe, bán hàng; không còn tình trạng vô tư vứt xác chuột, mèo chết ra đường; không còn cảnh những đống rác lưu cữu ngay tại các khu dân cư đông đúc... 

 Mới đây, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện “Năm đô thị sạch – 2009” nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng xanh-sạch-đẹp từ năm 2009. Điều đó cho thấy sự đánh giá cao của lãnh đạo thành phố về vai trò quyết định của nhân dân trong việc thực hiện thành công chủ trương xây dựng thành phố môi trường.

Tuy vậy, việc triển khai kế hoạch này trên thực tế còn một số trở ngại do ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người trong bảo vệ môi trường không đồng đều. Thêm vào đó là những thói hư, tật  xấu của một bộ phận nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh như bạ đâu xả (rác) đó, phố bẩn mặc phố, miễn nhà mình sạch. Thế nên, tình trạng rác trong nhà vứt ra đường là cảnh thường thấy hằng ngày ở phố. Bên cạnh còn những trở ngại khác như kết cấu hạ tầng tại các khu dân cư chưa được xây dựng đồng bộ; nhiều dự án trên địa bàn thi công kéo dài, hoặc gây ô nhiễm nặng chưa được khắc phục một cách triệt để. Tình trạng nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến gây ô nhiễm chưa được xử lý dứt điểm...

Để kế hoạch “Đà Nẵng đô thị sạch – 2009” được triển khai đồng bộ, đều khắp, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng, của mỗi người dân trong việc tham gia giữ gìn môi trường sống. “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” phải trở thành phương châm hành xử thường ngày của mỗi người; từ đó, có hình thức tổ chức nhân dân tham gia thực hiện nếp sống có vệ sinh cho mình và khu vực nơi mình sống.
 
Thời gian qua, có nhiều hình thức huy động lực lượng tham gia làm vệ sinh, bảo vệ môi trường như phong trào chủ nhật xanh-sạch-đẹp mà Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ các cấp phát động. Từ kết quả các phong trào này, các địa phương nên phát động tuần vệ sinh tại các tổ dân phố, các thôn. Các tổ dân phố có trách nhiệm vận động các gia đình trong tổ tham gia dọn vệ sinh trên địa bàn tổ mình hằng tuần; nhắc nhở nhau xây dựng thói quen giữ gìn vệ sinh nơi ở và nơi công cộng.

Tương tự, các công sở, các đơn vị, hằng tuần, cần tổ chức cho cán bộ, nhân viên làm vệ sinh nơi làm việc và đưa giữ gìn vệ sinh môi trường là một trong những tiêu chí bình xét thi đua hằng năm đối với các cá nhân, đơn vị, tổ chức. Triển khai tốt từ cơ sở (tổ dân phố, thôn, các cơ quan, đơn vị), đó là sự bảo đảm để mục tiêu “Đà Nẵng - đô thị sạch” trở thành hiện thực trong tương lai gần.    
                                                                                                                   
MINH LONG

;
.
.
.
.
.