.

Chính quyền địa phương ở đâu?

“Chạy quy hoạch” là căn bệnh phát sinh từ môi trường giải tỏa, chỉnh trang đô thị. Nó như là một chứng bệnh nan y bởi nơi nào có giải tỏa, di dời, nơi đó xuất hiện bệnh chạy quy hoạch, dù đó là Hà Nội văn hiến hay Sài Gòn phồn hoa. Trên đường phát triển, Đà Nẵng nhận được sự đồng thuận của nhân dân trong việc giải tỏa, đền bù, kiến thiết lại thành phố. Tuy vậy, tình trạng chạy quy hoạch vẫn diễn ra hằng ngày và ở hầu hết các quận, huyện, xã, phường có triển khai dự án.

Căn bệnh này đang khiến dự án đường Lê Văn Hiến rơi vào tình trạng vừa thi công vừa chờ mặt bằng, nhiều dự án khác bị ngưng trệ. Nhà cửa, tường rào cổng ngõ mọc lên tự phát như nấm mọc sau mưa ở Hòa Khánh Bắc, Hòa Sơn (dọc theo đường ĐT 602) và Hòa Nhơn khiến một nhà báo ví chạy quy hoạch như một cuộc chạy thi.

Vẫn biết quy định của thành phố là không đền bù nhà cửa, vật kiến trúc... mới xây sau khi công bố quy hoạch và thực tế hàng trăm ngôi nhà xây dựng nhằm chạy quy hoạch bị tháo dỡ mà không được đền bù, nhưng người dân vẫn giả lơ, lao vào cuộc chạy đua với niềm tin sẽ được cấp trên rủ lòng thương mà nới tay chút đỉnh!?

Tình trạng này phản ánh nhận thức pháp luật chưa đầy đủ và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân chưa cao. Không ít người xây nhà chạy quy hoạch lý sự với cán bộ địa phương: Đất tui, nhà tui, tui làm, mắc mớ chi. Với cách suy nghĩ đó, mặc dù nghèo nhưng họ chạy vạy, vay mượn hàng chục triệu đồng để xây dựng nhà hòng kiếm chác thêm chút ít trước khi chuyển về nơi ở mới. Tiếc rằng, lối nghĩ này không phải là cá biệt mà trở thành lối nghĩ chung của khá nhiều người dân.

Ở xã Hòa Nhơn, khi được thông tin quy hoạch, trong thời gian rất ngắn có 17 hộ xây nhà mới, 50 hộ cơi nới, còn xây tường rào, cổng ngõ thì không kể hết. Mới đây, ở thôn Hòa Khê (xã Hòa Sơn) sau vài ngày công bố quy hoạch xây dựng Nghĩa trang thành phố (giai đoạn 4), cả thôn có 84 trường hợp cơi nới, xây dựng trái phép, trong đó có 31 trường hợp mới phát sinh...

Trước hết, phải nói rằng, cách ứng xử đó của người dân là không phù hợp quy tắc của xã hội, với xu hướng phát triển cần phải chỉnh đốn, khắc phục. Nhưng “Dân dĩ thực vi tiên”, dân - gian, âu đó cũng là một cách ứng xử tự nhiên của con dân. Điều đáng bàn là vai trò quản lý của chính quyền địa phương, của cơ quan chức năng để xảy ra tình trạng đó.

 Theo chúng tôi, ở những nơi công bố quy hoạch, cơ quan chức năng cũng như chính quyền sở tại chưa coi trọng công tác tuyên truyền trong nhân dân một cách đúng mức. Những khúc mắc của người dân trong quá trình triển khai dự án chưa được chính quyền đối thoại, giải đáp một cách thỏa đáng. Những chính sách của thành phố về đền bù, giải tỏa và những chế tài xử lý sai phạm chưa được phổ biến một cách cụ thể đến từng người.

Công tác kiểm tra, giám sát chưa được cán bộ địa phương thực hiện với tinh thần quyết liệt, tận tâm và công minh. Xây nhà là việc lớn chứ không phải là trò ú tim xây lén, xây ngày, xây đêm như cách lý giải của các địa phương là không thuyết phục. Một ngày chỉ cần dành 1 đến 2 tiếng đồng hồ là có thể nắm được mọi diễn biến trong khu vực được công bố quy hoạch tại xã, phường mình. Nhiều trường hợp xây nhà trái phép bị phát hiện nhưng người có trách nhiệm làm ngơ không xử lý do nể nang, cảm thông với đối tượng. Cũng không loại trừ những trường hợp chạy quy hoạch nhờ có sự mách nước giữa cán bộ các dự án và người dân.

Quản lý xây dựng cơ bản trên địa bàn là một trong những biểu hiện rõ nét nhất hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn của chính quyền cơ sở. Một xã, phường được coi là mạnh, phải làm tốt công tác quản lý địa bàn, đặc biệt trên những vấn đề nóng bỏng như xóa đói, giảm nghèo, an ninh trật tự, di dời giải tỏa, tái định cư và cả vấn nạn chạy quy hoạch.

MINH LONG

;
.
.
.
.
.