.

Nỗi khổ ô nhiễm

Tài sản quý nhất của con người là sức khỏe - Sức khỏe quý hơn vàng. Vô vàn yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe, trong đó môi trường sống vô cùng quan trọng. Sống trong môi trường trong lành, cơ thể cảm thấy khỏe khoắn, ít bệnh tật. Ngược lại, ở môi trường ô nhiễm thì mệt mỏi, bệnh tật phát sinh, giảm tuổi thọ.

Trong đời sống hằng ngày, con người phải đối mặt với vô số thứ ô nhiễm. Bụi đường và khí thải độc hại từ các phương tiện giao thông là loại ô nhiễm phổ biến nhất hiện nay. Bước ra đường là hứng bụi. Có khi ở trong nhà cũng không thoát khỏi bụi hành hạ. Khổ nhất là đi lại trên các tuyến đường có xe chở đất đá lưu thông mật độ lớn. Không ít nơi không gian bụi phủ đục nhờ như sương. Khí thải từ các phương tiện giao thông ít người để ý tới song là loại ô nhiễm rất hại cho sức khỏe.

Chỉ cần dừng tại ngã tư lúc đèn đỏ mấy chục giây đã cảm thấy ngột ngạt khi xe máy, ô-tô đua nhau xả khói. Rồi ô nhiễm do nước thải từ khu dân cư, khu công nghiệp. Hầu như kênh rạch, ao hồ nào ở khu vực đô thị cũng có nước đen ngòm, bốc mùi khó chịu.

Nguy hại nhất là ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Tất cả rác rưởi, chất thải từ sản xuất, đời sống đều ngấm xuống lòng đất, trong khi còn quá nhiều khu dân cư, kể cả ở đô thị đến nay vẫn phải dùng nước ngầm để đun nấu hằng ngày. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến bệnh tật. Ngoài ra, con người còn liên tục phải  chịu đựng biết bao thứ ô nhiễm khác như tiếng ồn, thức ăn, nước uống không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...

Phải nói rằng, thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đặc biệt chú trọng đến việc khắc phục và hạn chế thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhiều giải pháp giải quyết tình trạng này đã triển khai. Ý thức người dân trong việc bảo vệ  môi trường đã được nâng cao.

Ở  khu vực nội thị, tiêu  chí  về  xanh-sạch-đẹp đạt thành quả rất phấn khởi. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khu vực ô nhiễm khá trầm trọng. Kỳ họp HĐND lần nào cử tri cũng đề cập đến vấn đề ô nhiễm bụi đường, nước thải, nước sinh hoạt, nhưng xem ra cải thiện rất chậm. Tình trạng nắng bụi, mưa bùn trên tuyến đường Lê Trọng Tấn, đường ở thôn Phước Thuận, xã Hòa Nhơn và tuyến đường  từ Hòa Nhơn đi Hòa Xuân vẫn là nỗi bức xúc dai dẳng của người dân.

Hễ nắng lên là con đường này mù mịt bụi. Ô nhiễm ở âu thuyền Thọ Quang đã đến hồi báo động. Mùi hôi thối nồng nặc đến ngộp thở mỗi khi thời tiết thay đổi. Rồi ô nhiễm nguồn nước ngầm tại những khu vực chưa có nước sạch. Đến nay, tại 3 quận nội thành mới chỉ có 77,7% dân số có nước sạch dùng và chỉ có 9,4% dân số ở huyện Hòa Vang dùng nước đã qua xử lý.

Hạn chế ô nhiễm môi trường sống là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Giải quyết tình trạng này phải có chế tài cụ thể, xử phạt nghiêm minh và triển khai quyết liệt, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi, đầu voi đuôi chuột. Giải quyết tình trạng ô nhiễm bụi đường không khó nếu như có biện pháp hợp lý, triển khai đến nơi đến chốn. Có điều, việc xử lý bụi đường hiện nay chỉ qua loa, chiếu lệ. Mỗi ngày bố trí dăm bảy công nhân xúc hốt đất đá trên những tuyến đường xe chở đất đá lưu thông nhiều, liệu có giải quyết nổi. Và như vậy, cần phải triển khai các giải pháp hữu hiệu hơn, kiên quyết hơn.

Các doanh nghiệp thực hiện san lấp mặt bằng, chủ xe và tài xế xe tải chở đất là các đối tượng chịu trách nhiệm chính trong lĩnh vực này. Họ thu tiền không lẽ để người dân chịu khổ. Nếu như cùng với việc bắt buộc đậy bạt đúng quy chuẩn khi lưu thông, trước khi ra khỏi khu vực đổ đất, xe được rửa lốp bằng cách chạy qua ao nước tự tạo sẽ không còn tình trạng kéo đất ra đường gây bụi.

Thế nhưng đến nay không đơn vị nào triển khai. Hoặc như ở âu thuyền Thọ Quang, ô nhiễm nghiêm trọng là vậy nhưng chẳng ai quan tâm giải quyết! Không thể đổ lỗi hết ô nhiễm cho các nhà máy chế biến hải sản. Điều đáng quan tâm là cả khu công nghiệp này chưa có nơi xử lý chất thải. Xây dựng khu công nghiệp mà không có nhà máy xử lý chất thải chẳng khác nào xây nhà không có công trình vệ sinh. Rồi tại đó còn cảng cá, hàng trăm tàu thuyền, bè nuôi hải sản vẫn lấy âu thuyền neo đậu, không ô nhiễm mới là chuyện lạ.

Ô nhiễm môi trường - nỗi khổ không của riêng ai. Giải quyết tình trạng này ngoài ý thức trách nhiệm của người dân, vai trò của cơ quan chức năng vô cùng quan trọng. Sẽ không thể giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nếu như không có giải pháp đồng bộ, đầu tư hợp lý, quy kết trách nhiệm rõ ràng các đối tượng gây ô nhiễm.

Điều quan trọng hơn giải quyết ô nhiễm không thể theo kiểu đối phó tình thế như đã làm từ trước đến nay mà phải nêu cao tinh thần tự giác xây dựng nếp sống văn minh đô thị của mỗi người; đồng thời cơ quan chức năng phải triển khai kịp thời các giải pháp, các dự án trên tinh thần vì sự trong lành của môi trường sống, vì sức khỏe của cộng đồng.

NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.