.

Truyền thống cũ, nhận thức mới

Quyết định mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc chỉ cho phép sử dụng tối đa 30% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn đã làm nảy sinh các gợi ý về mặt điều hành chính sách: Giảm tải rủi ro tín dụng và thanh khoản; Khuyến khích huy động vốn qua thị trường chứng khoán, cải tiến quản trị doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa; Đa dạng hóa thêm công cụ sản phẩm đầu tư vốn.
 
Trong bối cảnh nền kinh tế đang có cơ hội hấp thụ vốn mạnh, nhiều ngân hàng sau khi tính toán lại cân đối thời điểm hiện tại đã vượt khá xa hệ số an toàn cho phép. Trong khi đó, môi trường kinh doanh tiền tệ ngày càng xuất hiện nhiều nhân tố biến động khó lường, gây trở ngại không ít đến chiến lược tập trung vốn dài hạn.

Bài toán khó đặt ra là làm thế nào để đáp ứng đúng quy định của NHNN khi mốc thời gian lập lại cân đối vốn đã gần kề (1-1-2010)? Câu hỏi quan trọng hơn là: Hệ thống ngân hàng có nên tiếp tục duy trì hoạt động theo lề lối cũ với chiến lược ưu tiên mở rộng tín dụng trung, dài hạn, hay là cần phải nhận thức lại vai trò truyền thống của mình và kiên trì chuyển đổi mô hình cho phù hợp với tình hình mới?

Trong số các chức năng truyền thống của ngân hàng thương mại, thì năng lực huy động vốn, duy trì thanh khoản là thước đo quan trọng nhất khi đánh giá tư chất cạnh tranh, tạo dựng giá trị cốt lõi của một ngân hàng.

Nhìn lại những năm gần đây, đi đôi với quá trình mở rộng mạng lưới một cách ồ ạt, một số ngân hàng dường như chỉ đặt trọng tâm vào chiến lược mở rộng tín dụng từ vốn liên ngân hàng hơn là cân đối vốn từ thị trường cấp 1, xem đó như là giải pháp nhanh nhất nhằm tạo thế đứng trên thương trường, đồng thời góp phần giải quyết những áp lực tài chính nội bộ trước mắt. Vô hình trung, uy tín và thực lực của ngân hàng lại được đo lường bằng những thủ thuật cạnh tranh đơn giản đi kèm với việc phải đánh đổi quá nhiều rủi ro về tín dụng và thanh khoản?

Trước đây, nền kinh tế hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa hẳn vào ngân hàng để tìm kiếm các nguồn lực đầu tư phát triển. Hiện nay thị trường chứng khoán đang khởi sắc trở lại, dù là kênh tối ưu để huy động vốn dài hạn nhưng trên thực tế vẫn chưa thật sự hấp dẫn doanh nghiệp, vì ngoài yêu cầu đăng ký trở thành công ty đại chúng thì những quy định khắt khe khác về quản trị và công khai minh bạch tài chính đang là những rào cản lớn khó vượt qua.

Vì vậy, đối với nhiều chủ doanh nghiệp, giải pháp đi vay ngân hàng dễ dàng được chấp nhận hơn. Tư tưởng tiêu cực này đi ngược lại xu thế quản trị hiện đại trong thời đại hội nhập và kìm hãm tiến trình cổ phẩn hóa doanh nghiệp Nhà nước. Khi nguồn cung ứng từ ngân hàng thu hẹp dần, thị trường vốn sẽ vận động theo hướng tối đa hóa chức năng, tạo môi trường cho các công cụ đầu tư dài hạn khác trở nên thịnh hành hơn.

Ngoài cổ phiếu, trái phiếu, bảo hiểm... cũng cần phải tính đến phương án sử dụng nghiệp vụ phái sinh “chứng khoán hóa” một số “tài sản có” giá trị lớn và chất lượng cao, ví dụ các công trình cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống, bến cảng... nhằm tạo lập nguồn vốn tái đầu tư dài hạn, cho dù đây là nghiệp vụ đặc biệt nhạy cảm và là thử thách mới đối với năng lực quản lý của các nhà hoạch định chính sách tài chính tiền tệ trong thời gian tới.

Về phía hệ thống ngân hàng, khi tiến hành chuyển đổi mô hình quay về với hoạt động truyền thống, sẽ có nhiều điều kiện để tập trung vào chiến lược đa dạng hóa nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực quản trị và hội nhập cũng được cải thiện một cách cơ bản.

Tuy nhiên cần phải thừa nhận rằng, đây là tiến trình không dễ dàng bởi vì công bằng mà xét, những “gánh nặng lịch sử” để lại trên vai hệ thống ngân hàng trải qua nhiều thập kỷ khó lòng hóa giải trong một sớm một chiều, vì vậy NHNN cần nghiên cứu ban hành những giải pháp hỗ trợ với bước đi dài hơi hơn.

TÂM DÂN

;
.
.
.
.
.