Trong vòng xoáy thấp thỏm nỗi lo tăng giá xăng dầu, thực phẩm, điện nước… thêm đắt đỏ thì giá thuốc tăng phi mã hơn một tháng gần đây khiến những người dân mắc bệnh càng khốn đốn. Trớ trêu là người ốm không thể thiếu thuốc để chống chọi với bệnh tật, mà bệnh tật thì cứ đeo đẳng còn giá thuốc lại lòng vòng biến hóa.
Khảo sát trên thị trường cho thấy giá thuốc ngoại nhập đã tăng chóng mặt, trong khi đó thuốc nội bị ảnh hưởng từ nguồn nguyên liệu ngoại nhập cũng bắt đầu “xé rào” để tăng giá. Có sản phẩm tăng từ 40 đến 80% đã khiến cho người bệnh nói chung và bệnh nhân mãn tính khó lòng sử dụng các loại thuốc đặc trị.
Việc giá thuốc tăng cao ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt là những nhóm thuốc dành cho những người bị bệnh nan y. Bởi cho dù chỉ đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh chỉ 5%, tuy nhiên đối với nhóm bệnh mà nếu muốn duy trì cuộc sống ví như chạy thận nhân tạo với trung bình chi phí từ 120.000 đến 150.000 đồng/tuần thì không biết sẽ trụ được trong bao lâu? Người bệnh nghèo từ trước đến nay đã chống chọi để tiếp tục điều trị bệnh thì nay lại nợ nần chồng chất.
Không chỉ người bệnh nợ chi phí điều trị mà với trách nhiệm bảo đảm đủ thuốc cho người bệnh, lãnh đạo các bệnh viện luôn lo lắng mỗi khi đơn vị cung ứng thông báo “đứt hàng” hoặc phải tìm thuốc tương ứng có trong danh mục trúng thầu để thay đổi. Còn đối với các doanh nghiệp trúng thầu cung ứng thuốc, khó khăn lớn là hiện các gói thầu bán thuốc cho các bệnh viện, cơ sở y tế vẫn tiếp tục được gia hạn trong quá trình chờ đấu thầu lại, trong khi đó giá thuốc nhập vào đã tăng cao nên công ty vẫn phải bù lỗ do trượt giá. Nếu doanh nghiệp hủy hợp đồng, chịu phạt chứ không cung cấp thuốc sẽ ảnh hưởng đến uy tín cho những đợt thầu sau đó với bệnh viện.
Trong lúc này, giá thuốc tại những điểm bán lẻ vẫn rất khó kiểm soát do việc quản lý, giám sát không phải lúc nào cũng chặt chẽ và liên tục. Người dân khi đến những điểm bán lẻ này cũng đành “bấm bụng” chịu mua với giá cao hơn trước đó chỉ hai tháng để mong có thuốc uống sẽ mau lành bệnh.
Vấn đề đang đặt ra là trong thời điểm này cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong công tác bình ổn giá, bảo đảm giá thị trường sát với giá thực tế để có đủ thuốc trong bệnh viện. Ở tầm vĩ mô, cơ quan liên quan cần mạnh tay hơn để can thiệp và có những quyết định hợp lý sao cho các bệnh viện không thiếu thuốc nhưng giá không cao quá so với giá trị thật. Các cơ sở y tế cũng cần tham khảo giá thầu sao cho phù hợp để đỡ gánh nặng cho người bệnh và doanh nghiệp dược hạn chế lợi dụng cơ hội này để làm giá.
Lâu nay, đến hẹn lại lên, sau các đợt điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ, giá xăng tăng… là giá thuốc tăng. Không tăng ồ ạt mà tăng vài mặt hàng, nhưng có lúc đồng loạt tăng giá. Chỉ khi giá thuốc trở thành bức xúc lớn của xã hội thì cơ quan quản lý mới chỉ đạo thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra giá thuốc kê khai của doanh nghiệp dược, thuốc bán trên thị trường, trong bệnh viện. Thế nhưng, kết thúc thanh tra, vẫn rất hiếm cá nhân hay doanh nghiệp được các cơ quan pháp luật chỉ mặt về tội gây biến động giá thuốc. Suy cho cùng, nếu vẫn cứ đà này, sẽ còn nhiều người dân hụt hơi khi đua theo giá thuốc.
Việt Dũng