.

Khát vọng hòa nhập

Bài viết “Người nghe bằng mắt” đăng trên Báo Đà Nẵng cuối tuần ngày 17-4-2011 mang lại cho người đọc sự hình dung chân thực về nỗ lực hòa nhập của một người khuyết tật. Đó là câu chuyện cảm động về nghị lực của chị Dương Phương Hạnh, người sáng lập Trung tâm Giáo dục người khiếm thính Việt Nam, điều phối viên chính và thành viên Ban cố vấn của nhiều tổ chức người điếc quốc tế. Chị là đại diện cho biết bao người khuyết tật Việt Nam luôn chất chứa mong ước hòa nhập và bình đẳng trong xã hội.

Tâm sự, chia sẻ về hành trình vượt khó của một phụ nữ bị mất khả năng nghe từ năm 6 tuổi và ước mơ mang “thiên đường” thành công của những người khiếm thính trên thế giới về Việt Nam khiến người đọc không khỏi yêu mến, khâm phục. Tại Việt Nam, người khiếm thính nói riêng và người khuyết tật nói chung vẫn có rất ít cơ hội hòa nhập thật sự, mặc dù xã hội kêu gọi và tạo điều kiện cho họ được sống bình đẳng như bao người khác. Hơn 10 người khiếm thính tốt nghiệp THPT là con số quá ít ỏi, trong khi không có trường chuyên biệt THCS, THPT dành cho người khiếm thính tại Việt Nam.

Vấn đề đặt ra là làm sao gỡ bỏ những rào cản về cơ hội học hành, cơ hội việc làm đối với người khuyết tật. Có khi rào cản là cái nhìn khác biệt của mọi người. Có khi rào cản là quan điểm vốn ăn sâu vào nếp nghĩ rằng, người khiếm thính chỉ cần dựa vào đôi tay khéo léo và sự cần mẫn, chứ không cần trang bị đủ đầy tri thức cơ bản. Có khi rào cản lại là sự phân biệt trong chế độ làm việc, mức thu nhập… Tất nhiên, rào cản không chỉ đơn thuần do xã hội mà đến cả từ phía những người khuyết tật. Sự mặc cảm, tự ti, tâm lý dễ bị tổn thương vô hình trung tự tạo nên hố sâu ngăn cách cho chính họ. 

Anh Đặng Ngọc Duy, cựu học sinh Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), hiện phụ trách cơ sở mái ấm Hướng Dương (Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) tâm sự rằng, chính anh cũng có nhiều lúc tưởng như gục ngã và lạc lõng vì khoảng cách giữa người sáng và người khiếm thị. Nhưng sự sẻ chia ấm áp, sự yêu thương chân thành của thầy cô cùng bạn bè ở 2 ngôi trường - Trường Nguyễn Đình Chiểu và Trường THPT Trần Phú - đã vun đắp cho anh niềm tin yêu cuộc sống cũng như khát vọng vươn lên để sống có ích. Người sinh viên khiếm thị Đặng Ngọc Duy sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quảng Nam đã đứng ra mở trường để nuôi dạy trẻ em khuyết tật, cho dù anh biết rằng mình phải đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí phải chạy gạo từng bữa. Trong bộn bề lo toan như thế, những thanh âm của cuộc sống vẫn cứ lăn vào lòng Duy, khiến cảm xúc của anh tràn chảy trên những trang thơ và các bản nhạc. Nhìn Duy đàn bằng tay trái với những ngón tay cụt ngủn, lắng nghe anh hát mới cảm nhận hết tâm hồn trong trẻo và ước mơ được sống, được làm việc như những người bình thường.

Đà Nẵng hiện có khoảng hơn 5.000 người khuyết tật với 51 đơn vị dạy nghề cho người khuyết tật. Thành phố đã xây dựng được các mô hình hỗ trợ cho người khuyết tật đạt hiệu quả cao, đào tạo công nghệ thông tin, xây dựng mạng lưới các đơn vị cung cấp dịch vụ và tạo việc làm bền vững cho người khuyết tật thông qua 3 giai đoạn: chuẩn bị, tìm và duy trì việc làm. Song, điều khó khăn vẫn là việc làm bền vững cho người khuyết tật. Theo thống kê, đã có hơn 300 người khuyết tật ở Đà Nẵng được học nghề phù hợp với điều kiện và sức khỏe. Trong đó, 200 người được giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp.

Đà Nẵng đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách giữa người khuyết tật và người bình thường. Nhưng Đà Nẵng chỉ là một điểm sáng trong khi còn rất nhiều người không may mắn khác đang cần những chương trình trợ giúp như thế. Bao giờ tất cả hơn 5,3 triệu người khuyết tật trên khắp Việt Nam mới thật sự hòa nhập vào cộng đồng vẫn là một câu hỏi khó.

TÚ PHƯƠNG
;
.
.
.
.
.