Hôm nay 15-6, lần đầu tiên 10 quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có chung một ngày để tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) - căn bệnh năm nào cũng gây ra hàng ngàn ca tử vong do xuất hiện nhiều ổ dịch trong cộng đồng dân cư, thiệt hại về người và kinh tế rất lớn. Việc lơ là trong công tác phòng, chống ở nhiều quốc gia, nhiều địa phương khiến cho căn bệnh truyền nhiễm đặc thù của khu vực các nước tiểu vùng sông Mê-kông đang là nỗi lo sức khỏe của người dân.
Ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay, trên thế giới có khoảng 2,5 tỷ người có nguy cơ mắc bệnh SXH, trong đó 70% sống tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Malaysia, Philippines, Lào và Việt Nam là những nước châu Á chịu sự tác động nặng nề nhất của bệnh SXH. Tình hình trên khiến WHO liên tục cảnh báo dịch SXH đang lan rộng ở châu Á với số ca phải nhập viện và số ca SXH nặng đang tăng nhanh làm ảnh hưởng đến kinh tế và sức khỏe con người và áp lực tăng ở các cơ sở điều trị.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN năm 2010, Việt Nam với vai trò là nước dẫn đầu, đã đưa ra sáng kiến về phòng, chống SXH trong khuôn khổ hợp tác ASEAN+3 về phòng, chống bệnh truyền nhiễm giai đoạn 2 đã trình bày đề xuất về việc chọn ngày 15-6 hằng năm là “Ngày phòng chống SXH của ASEAN”, nhằm tăng cường cam kết chính trị và sự tham gia của toàn xã hội tới công tác phòng, chống dịch bệnh này. Việt Nam cũng đã xây dựng và đề xuất sơ bộ về một Dự án phòng, chống SXH tập trung vào việc tăng cường sự tham gia của cộng đồng và sự hợp tác liên ngành trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết trong khối ASEAN.
Do diễn biến phức tạp về khí hậu và tập quán sinh hoạt nên Việt Nam là nước có bệnh SXH lưu hành quanh năm với số ca mắc và tử vong cao. Đặc biệt, năm 2010, dịch SXH đã bùng phát mạnh với gần 125.000 trường hợp mắc và hơn 100 trường hợp tử vong. Số ca mắc tăng 20%, tử vong tăng 25,3% so với năm 2009. Tại khu vực miền Trung, dịch SXH bùng phát mạnh ở nhiều địa phương; riêng tại Đà Nẵng năm 2010 đã ghi nhận đợt bùng phát ngay từ đầu năm với gần 4.500 trường hợp mắc, nhiều trường hợp nặng, biến chứng với 2 trường hợp tử vong. Dịch xuất hiện sớm, trên diện rộng ngay từ đầu năm ở tất cả các quận, huyện và kéo dài, đặc biệt cao điểm vào các tháng 9, 10 và 11. Cả hệ thống chính trị phải tập trung phòng, chống. Nhiều bài học lớn về công tác dự báo, triển khai dập dịch cũng được rút ra từ đợt bùng phát dịch SXH này.
Sẽ là muộn màng khi để dịch bệnh bùng phát mạnh trong cộng đồng rồi mới vất vả chạy đua dập dịch. Các cơ quan, ban, ngành chức năng và mỗi người dân hãy dành một ngày để suy nghĩ và có những hành động tích cực hơn nữa về công tác phòng, chống nhằm giảm thiểu người mắc, người tử vong do bệnh SXH gây ra. Trên thực tế công tác phòng chống SXH ở nước ta đã đạt những thành quả nhất định, ý thức người dân được nâng cao. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn nhiều do thiếu các nguồn lực tài chính, con người. Ngoài ra, chính sự chủ quan lơ là, thiếu trách nhiệm từ cơ quan chức năng, ý thức phòng bệnh của một bộ phận người dân thấp là những nguyên nhân căn bản tiềm ẩn dịch bệnh SXH bùng phát bất kỳ lúc nào.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đó cũng là mục tiêu mà 10 quốc gia trong khu vực cùng cam kết để ngăn chặn và loại trừ một loại bệnh nguy hiểm ra khỏi cộng đồng. Tiếng nói chung đã có, tuy nhiên về phía mỗi quốc gia, cần phải nghiêm túc và nỗ lực thực hiện công tác phòng, chống ngay từ gốc thì mới có khả năng giảm thiểu tử vong do bệnh SXH gây ra.
Phát động phòng, chống SXH ở đây không chỉ có ý nghĩa quốc tế mà còn có ý nghĩa giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân khu vực này tích cực hưởng ứng và tham gia các chiến dịch phòng, chống SXH hằng năm. Bởi, việc đối phó với dịch SXH tại Việt Nam cũng như các nước ASEAN còn gặp nhiều khó khăn. Tin rằng, từ Lễ phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết 15-6 tại thành phố Cần Thơ sẽ là điểm khởi đầu cho chiến dịch ra quân phòng, chống SXH, làm giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ chết do SXH gây ra ở nước ta cũng như các nước trong khu vực.
Diệu Minh