.

“Có việc làm”...

Qua 5 năm triển khai thực hiện, theo báo cáo, đề án “Có việc làm” của thành phố Đà Nẵng đã giải quyết việc làm cho trên 161 ngàn lao động trong độ tuổi. Bình quân hằng năm thành phố đã tạo việc làm cho trên 32 ngàn lao động trên địa bàn.
 
Tuy vậy, tỷ lệ thất nghiệp đến năm 2010 ở khu vực đô thị tuy giảm nhưng vẫn còn ở mức cao với gần 5%, ở khu vực nông thôn là 16% (báo cáo dùng thuật ngữ tỷ lệ sử dụng thời gian lao động để chỉ số người có việc làm ở nông thôn là 84%, tăng bình quân trên 1%/năm). Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề liên tục tăng từ 25% năm 2006 lên 37% năm 2010... “Có thể nói qua 5 năm thực hiện, đề án đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của thành phố...”, ngoài những con số, có lẽ đây là đánh giá tổng quát nhất mà đề án “Có việc làm” mang lại.

Trong mục tiêu phát triển và trở thành “đô thị đáng sống”, có việc làm ổn định chắc chắn là vấn đề hết sức quan trọng, bởi nếu thất nghiệp, thì làm sao gọi là “đáng sống”!

Nhưng có việc làm, trước hết khác với tỷ lệ sử dụng thời gian lao động vì ai cũng biết khái niệm khiếm dụng (unemployment) trong kinh tế học còn có nghĩa là người có việc làm nhưng làm không đúng ngành nghề đào tạo hoặc làm việc bán thời gian. Ở nông thôn, thời gian nông nhàn lại là tình trạng phổ biến. Cho nên xét về chiều sâu, việc tăng bình quân trên 1% lao động ở nông thôn về sử dụng thời gian lao động chưa hàm chứa đã giải quyết được việc làm cho số lao động đến tuổi. Con một người nông dân đến tuổi lao động lại tiếp tục làm nông trên diện tích ruộng đất của cha mẹ để lại, thì đó không phải là mục tiêu của bất cứ đề án có việc làm nào. Đó là chưa kể 16% thời gian lao động chưa được sử dụng còn lại chưa nêu ra được rõ ràng đó là thời gian nông nhàn hay số lao động nông thôn chưa có việc!

Thứ đến là vấn đề lao động qua đào tạo theo báo cáo, năm 2010 đã chiếm 37% tổng số lao động. Kết quả điều tra dân số cuối năm 2009 được công bố cho thấy, trong 10 năm qua, dân số Đà Nẵng tăng 1,3 lần; bình quân tăng 20,2 nghìn người mỗi năm, tương đương tốc độ tăng dân số bình quân hằng năm là 2,62%. Dự báo Đà Nẵng sẽ đạt 1 triệu dân vào đầu năm 2014. Số liệu về lao động cho thấy lực lượng lao động trong độ tuổi hiện nay của thành phố khoảng trên dưới 500 ngàn trên tổng dân số gần 900 ngàn người.
 
Vậy, 37% lao động qua đào tạo chỉ đạt khoảng 185 ngàn. Cách đây không lâu, Bộ LĐ-TB&XH đã có một hội thảo về “Lao động qua đào tạo”. Hội thảo không đi đến một định nghĩa chính xác, khoa học để đánh giá đúng tỷ lệ lao động qua đào tạo, bởi trên thế giới chưa quốc gia nào sử dụng khái niệm này, mà thường sử dụng khái niệm trình độ (học vấn hoặc nghề nghiệp) theo tiêu chuẩn giáo dục UNESCO về dân số trong độ tuổi lao động. Đó là chưa kể sai biệt về số lượng đào tạo nghề, sinh viên ra trường hằng năm với con số thực những người có việc làm trong nhóm này. Theo các nhà nghiên cứu, số người học nghề 1 tuần, học nghề 6 tháng hay tốt nghiệp Trung cấp nghề, CĐ, ĐH đều có thể gọi chung là “lao động qua đào tạo” để báo cáo kết quả lao động hay dự báo là việc làm thiếu cơ sở thực tế.

Trở lại với “lao động qua đào tạo” trên bình diện rộng hơn, theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, trong những năm qua chỉ có đào tạo cao đẳng, đại học là tăng đều, các bậc đào tạo thấp hơn con số là không đáng kể. “Về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nước ta bị đánh giá thấp về tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Nếu điểm 10 là cao nhất thì chỉ số tổng hợp của nguồn nhân lực Việt Nam là 3,79 trong khi chỉ số này của Hàn Quốc là 6,91; của Trung Quốc là 5,73; của Malaysia là 5,59...”. “...
 
Đối với mức độ sẵn có lao động sản xuất chất lượng cao của Việt Nam cũng còn yếu, chỉ được 3,25 điểm trên thang điểm 10. Không chỉ đạt chỉ số thấp khi so sánh với các nước trên thế giới và trong khu vực, các doanh nghiệp trong nước cũng cho rằng khả năng đáp ứng nhu cầu công việc của lao động đã qua đào tạo ở Việt Nam không cao. Theo họ, số lao động đã qua đào tạo ở nước ta được đánh giá là tốt và rất tốt là không nhiều...”. Chính vì vậy, trong điều kiện nội tại lẫn so sánh trong thời hội nhập, tạo việc làm còn phải tính đến năng suất lao động và thu nhập của người lao động. Khái niệm về ưu thế “lao động rẻ” đã trở thành lạc hậu đối với bất cứ lĩnh vực sản xuất nào, vì tuy có việc làm nhưng đời sống sẽ vẫn bếp bênh.

Cho nên, các chỉ số 4% thất nghiệp ở đô thị, 37% lao động qua đào tạo... tuy có biểu hiện thăng tiến trong những năm qua, nhưng so với mục tiêu đưa chỉ số lao động lên 50% năm 2015 và 70% năm 2020 như Chính phủ đã đề ra thì vẫn còn rất xa. Thêm vào đó, nếu để “so sánh với hàng xóm” thì các “so sánh với quá khứ và với chính ta” như trên sẽ dễ dẫn đến sự tự thỏa mãn nguy hiểm trong thời hội nhập. Điều đó có nghĩa là, mục tiêu “có việc làm” của một đô thị như Đà Nẵng cần phải được nâng lên thành “có việc làm với năng suất, chất lượng và thu nhập cao” mới là mục tiêu phấn đấu của một “đô thị đáng sống”.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
;
.
.
.
.
.