.

“Nút cổ chai” trong xây dựng nông thôn mới

Ngày 8-6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát động thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020.
 
Trước đó, tại cuộc họp báo của Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cho biết: Việc tuyên truyền xây dựng nông thôn mới phải làm rõ được chủ thể xây dựng nông thôn mới chính là người nông dân và họ là đối tượng thụ hưởng. Cũng theo ông Hùng, việc xây dựng nông thôn mới hiện nay còn một số khó khăn lớn như xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn nhất thiết phải hiện đại nhưng cần nguồn kinh phí rất lớn; vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp và tăng thu nhập cho người nông dân. Trước mắt, phương châm thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả là dùng đô thị tác động vào nông thôn, dùng công nghiệp tác động vào nông nghiệp để đẩy nhanh sự phát triển...

Sau gần 1 năm triển khai, theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có 85 xã đạt 100% tiêu chí nông thôn mới, nhưng khi kiểm tra thực tế vẫn còn “nhiều cấp cán bộ địa phương và người dân nông thôn chưa hiểu biết đầy đủ về các nội dung xây dựng nông thôn mới, có nơi còn tâm lý nóng vội, ỷ lại nên chương trình chưa đạt hiệu quả như mong muốn...”.

Người viết bài này đã nhiều lần đến các xã nông thôn tại khu vực duyên hải miền Trung, gặp gỡ nhiều cán bộ chủ chốt cấp huyện và nhận thấy có mấy vấn đề cơ bản đối với nông thôn hiện nay, mà nếu chưa được khai thông sẽ gây cản trở với tất cả các tiêu chí đặt ra.

Trước hết là công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nông thôn. Nhiều xã đến nay mới chỉ có bản đồ thực trạng 1/200.000, nên chưa thể xác lập các phân khu chức năng; không xác định được cos nền làm chuẩn cho các công trình giao thông, xây dựng và cả hệ thống cống rãnh thoát nước cũng như các công trình ngầm. Mà khả năng cán bộ cấp xã lẫn cấp huyện đều không thể với tới. Nhiều xã, khi chọn địa điểm xây dựng trạm xá, trường mẫu giáo hoặc xác định thiết kế đường giao thông vẫn rất lúng túng, tùy thuộc vào cảm tính của lãnh đạo theo mỗi nhiệm kỳ. Đó là chưa kể đến việc khớp nối quy hoạch giữa xã này, thôn này với xã, thôn khác. Thành ra, các công trình xây dựng, công trình giao thông có nguy cơ trở nên lãng phí vì sớm bộc lộ sự lạc hậu.

Tiếp đến là vấn đề môi trường nông thôn. Theo ý kiến của lãnh đạo nhiều xã làm điểm, tiêu chí về môi trường là khó nhất trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hệ thống thu gom rác thải (tổ chức, phương tiện, bãi xử lý và phí thu gom...) đều hầu như rất vá víu, tạm bợ. Có nhiều xã, trên 90% rác thải được người dân “tự xử lý” như đào chôn, ném ra sông hồ, kênh mương thủy lợi. Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi là con số không. Nhiều xã hoàn toàn lúng túng trong việc quyết định sử dụng và biện pháp ngăn chặn các loại hóa chất trừ sâu, trừ cỏ ra sao trong sản xuất nông nghiệp, mà đây là nguyên nhân cơ bản làm suy thoái, ô nhiễm mạch nước ngầm ở nhiều vùng nông thôn.

Con người và năng lực quản lý trong các lĩnh vực giao thông, xây dựng, môi trường ở các xã nông thôn cũng là cái khó hiện nay (ở cả cấp xã lẫn huyện) do hạn chế về biên chế và năng lực. Nhiều xã chỉ có một cán bộ trung cấp phụ trách các lĩnh vực này nhưng lại không được đào tạo chuyên ngành, dẫn đến tình trạng làm cho xong việc, thậm chí bị cuốn vào những vụ tranh chấp đất đai thôi cũng đã làm không xuể!

Vì vậy, chừng nào những “nút cổ chai” nêu trên chưa được giải quyết thấu đáo, việc xây dựng nông thôn mới sẽ gặp không ít khó khăn và người thụ hưởng là nông dân vẫn chịu thiệt thòi.

NGUYỄN SÔNG HÀN
;
.
.
.
.
.