UBND TP. Đà Nẵng vừa có một quyết định đặc biệt (có lẽ chưa có ở các địa phương khác): Cấp giấy CMND hoặc đăng ký vào sổ hộ tịch, hộ khẩu cho 150 trẻ em đường phố được Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố giúp đỡ, nuôi dưỡng bấy lâu nay!
Đọc dòng tin trên không ai không cảm thấy xúc động vì đó là cách làm giản dị nhưng hiệu quả, thiết thực và đậm chất nhân văn nhất của cơ quan quản lý Nhà nước đối với trẻ em lang thang trên đường phố.
Lâu nay hầu như ai cũng biết rất nhiều trẻ em đường phố không cha mẹ hay nơi nương tựa đã hầu như mãi mãi không được xã hội thừa nhận vì chẳng có giấy tờ, căn cứ nào để xác định nhân thân. Sự khó thẩm định là một trong những nguyên nhân làm cho việc khẳng định gặp trở ngại. Tất nhiên, đằng sau sự khó khăn đó là một sự thực hiển nhiên: Nếu xã hội không thừa nhận (chính xác là chưa) thì trẻ em đường phố tự động dạt ra ngoài lề của xã hội. Điều nhức nhối ấy gây ra rất nhiều khó khăn, trở ngại về việc quản lý con người nói riêng, về cách để đưa trẻ em đường phố thực sự hòa nhập vào cộng đồng xã hội nói chung.
150 trẻ em đường phố vừa được chính thức trở thành công dân Đà Nẵng đến từ rất nhiều địa phương khác nhau như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam... Sự phức tạp về thành phần xuất thân, sự vô cùng khó cân bằng trong một “môi trường” xã hội nhiều độc hại cũng như mặc cảm, tự ti, bị bỏ rơi đã làm cho cuộc sống của các em bị ám ảnh, bị day dứt nhiều năm trời. Những nhà quản lý đã hiểu rõ được điều đó - công nhận những đứa trẻ lang thang sau khi được giáo dục, bồi dưỡng là công dân Đà Nẵng đồng nghĩa với việc trao cho các em một mái ấm đích thực. Mái ấm đó là tấm lòng, trách nhiệm của mọi công dân Đà Nẵng và do vậy, “biến” Đà Nẵng trở thành quê hương mới, cộng đồng gia đình mới.
Bên cạnh ý nghĩa nhân văn sâu sắc trên đây, chúng ta còn nhận ra rằng công cuộc cải cách thủ tục hành chính thực ra phải bắt đầu từ những thay đổi cụ thể với cách làm nhanh, hiệu quả. Thủ tục hành chính là sợi dây phiền hà, quan liêu mà cơ chế luộm thuộm của cách quản lý tiểu nông luôn phát sinh ra những phiền hà. Cắt bỏ tất cả những cách nghĩ, cách quản lý không phù hợp sẽ làm cho xã hội gọn gàng hơn, đẹp đẽ hơn và, chắc chắn là trong lành hơn. Rõ ràng không chỉ 150 trẻ em đường phố Đà Nẵng được trở thành công dân mà đây còn là mô hình rất đáng được nhân rộng, phát huy. Bỏ rơi một con người, trước tiên không phải vì họ muốn bỏ đi mà chính chúng ta - những người có trách nhiệm, có quyền lực đã buộc, ép họ phải ra đi. Nếu xã hội, địa phương nơi trẻ em tạm trú mở rộng vòng tay để đón nhận, cưu mang thì sự tốt đẹp sẽ đến rất nhanh sau ít sớm, ít chiều.
Đà Nẵng vẫn đang còn 3.000 đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như bị tai nạn, bị bỏ rơi. Vẫn còn đó khoảng 26.000 đứa trẻ khác thuộc diện hộ gia đình nghèo đang rất cần được giúp đỡ. Con số đó không nhỏ một chút nào. Sự nỗ lực của xã hội phải được bắt nhịp, triển khai nhiều hơn nữa, mạnh mẽ và quyết tâm nhiều hơn nữa. Sự sẻ chia và yêu thương không bao giờ là nơi trú ngụ thích hợp của ngôn từ. Tin rằng, với cách làm mới mỗi ngày, Đà Nẵng sẽ vững vàng tiến bước một cách đầy hy vọng đến cái đích của đổi thay, phát triển. Những công dân mới của Đà Nẵng đã có được sự tin cậy, bao dung để đóng góp nhiều hơn, xứng đáng với niềm mong mỏi tốt lành...
Hà Văn Thịnh