.

Ma túy, nỗi ám ảnh của từng gia đình

Một lần đến công tác ở Trại 05-06 ở Bàu Bàng, tôi nghe câu chuyện một thanh niên vừa xin quay lại trại như sau: Suốt 2 năm quyết tâm cai nghiện, anh được cho về để hòa nhập cộng đồng. Cũng trong thời gian đó, anh quen biết và yêu một nữ phạm nhân là gái mại dâm trong trại. Họ quyết định lấy nhau. Nhưng khi hai người trở về thành phố để tiến hành các thủ tục kết hôn thì anh gặp lại “bạn cũ” và đã... tái nghiện. Câu chuyện có hậu và đầy may mắn: Hai người sau đó đã thành vợ chồng, xin một mảnh đất gần trại để làm nhà và cách ly hẳn thành phố làm lại cuộc đời...

Nhưng không phải ai đi vào con đường nghiện ngập cũng có quyết tâm như hai người nêu trên. Nhiều bạn trẻ lâm vào con đường này sau đó đã lây nhiễm HIV và thiệt thân khi tuổi còn khá trẻ. Theo Báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, đến cuối năm 2010 Việt Nam có gần 184.000 người nhiễm HIV/AIDS còn sống. Số ca nhiễm HIV mới phát hiện năm 2010 là 13.800, tuy đã giảm 1.900 ca so với năm 2009. Nhưng theo dự báo trong thời gian tới, mỗi năm Việt Nam sẽ tăng thêm 15.000 ca nhiễm HIV mới từ các nhóm nghiện ma túy, mại dâm, nam quan hệ đồng giới... Đến năm 2015, cả nước sẽ có khoảng 300.000 người nhiễm HIV.

Theo báo cáo đánh giá tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm diễn ra ở Hà Nội đầu năm 2011, hiện nay “63/63 tỉnh, thành phố, trên 90% các quận, huyện, thị xã và 56,54% số xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy. Tỷ lệ người nghiện sử dụng ma túy bằng đường tiêm chích cũng tăng từ 46,4% năm 2001 lên trên 85% vào năm 2009 và đây chính là nguyên nhân trực tiếp lây lan nhanh HIV/AIDS...Số người nghiện ma túy tăng mạnh từ năm 2000 đến 2007 (khoảng 178.305 người), từ năm 2007 đến nay, số người nghiện ma túy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao (khoảng 146.731 người) và ngày càng có xu hướng... trẻ hóa!

Để ngăn ngừa thảm họa ma túy và HIV, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp mang tính tổng hợp và quyết tâm.

Trên địa bàn Đà Nẵng, chương trình “Thành phố 5 không” cũng đã được khởi xướng từ khá sớm để tuyên chiến với thảm họa ma túy-HIV. Các ngành chức năng cũng quyết liệt triển khai nhiều biện pháp đồng bộ từ ngăn ngừa đến trấn áp và giúp đỡ hòa nhập cộng đồng. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hoa, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, để ngăn chặn có hiệu quả tệ nạn này, ngành Công an đã đề ra kế hoạch “Chủ động giảm cầu để tiến tới cắt cung”. Trong kế hoạch này, tính nhân văn đã thể hiện ở chỗ, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức; thay đổi hành vi của các nhóm có nguy cơ cao, thay đổi thái độ ứng xử của cộng đồng đối với người nghiện để giảm thiểu tình trạng kỳ thị. Nổi bật trong những hoạt động đầy tình người là đã có thêm nhiều mô hình giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng mà “Câu lạc bộ sau cai nghiện” tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ là một ví dụ điển hình. Không chỉ phân công đoàn viên thanh niên và hội viên các đoàn thể xã hội kèm cặp giúp đỡ người cai nghiện trở về, mà còn tạo điều kiện để giúp họ vay vốn làm ăn, cải thiện cuộc sống...

Không chỉ chính quyền, các đoàn thể, địa phương đã vào cuộc với vấn nạn ma túy, HIV; thời gian qua nhiều trường trung học, đại học cũng có nhiều hoạt động phong phú theo chiều hướng này.

Nhưng xét cho cùng, ma túy-HIV vẫn là nỗi ám ảnh của mỗi gia đình chúng ta. Tôi có quen một số gia đình, tuy vợ chồng có địa vị xã hội, kinh tế vững chắc nhưng do lơ là trong giáo dục mà con cái lâm vào con đường nghiện ngập. Có trường hợp người cha nghiêm khắc bao nhiêu thì người mẹ, vì thương con mù quáng đã lén lút tạo điều kiện để con mình đi vào con đường hư hỏng... Do vậy, luật pháp dẫu nghiêm khắc đến đâu, các đoàn thể, tổ chức xã hội có mở rộng vòng tay nhân ái đến đâu thì gia đình vẫn là chỗ quan trọng nhất trong việc ngăn chặn thảm họa, đồng thời cũng là chỗ dựa tinh thần không thay thế được để giúp những công dân trẻ quay về với lẽ phải và sống có ích...             

NGUYỄN SÔNG HÀN

;
.
.
.
.
.