.

Nước đến chân mới nhảy

Thông tin về việc hàng loạt sản phẩm thạch và nước uống giải khát có phụ gia tạo đục chứa DEHP (một loại hóa chất tạo độ dẻo thường sử dụng trong ngành nhựa, có thể gây ung thư) lại tiếp tục gây lo lắng cho người tiêu dùng.
 
Dù các cơ quan chức năng đã phát hiện và thu hồi những loại sản phẩm này nhưng sự việc trên cũng cho thấy, công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm còn lỏng lẻo, nhiều chỗ hổng, khiến cho những sản phẩm không an toàn vẫn được lưu thông và hằng ngày, hằng giờ gây nguy hại cho sức khỏe người dân. Câu chuyện về thạch rau câu cộng với việc sữa nhiễm chất melamine trước đây đã hướng công luận về một đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất, đó là trẻ em.

Không ít bậc cha mẹ đã giật mình, lo lắng vì bấy lâu nay vẫn cho con dùng thạch rau câu của Công ty New Choice Foods, một thương hiệu bị phát hiện sản xuất thạch có chứa chất DEHP. Món ăn khoái khẩu của trẻ em, thường xuyên xuất hiện trong các bữa tiệc, các món quà tặng… vậy mà giờ đây, trở thành tâm điểm gây hoang mang cho các bậc cha mẹ. Bên cạnh đó, một số loại nước ép trái cây, nước sirô nhập khẩu của một doanh nghiệp Đài Loan cũng bị phát hiện nhiễm DEHP. Thật đáng lo ngại vì những loại nước như vậy thường được trẻ em ưa thích và không ít những người kinh doanh quà vặt xung quanh khu vực trường học đã chọn sản phẩm này để bán cho học sinh.
 
Chỉ cần vài nghìn đồng đã có thể mua một ly nước giải khát mang hương vị trái cây, chính vì thế, các em học sinh thường là đối tượng tiêu thụ sản phẩm này nhiều hơn cả. Bên cạnh đó, nếu xem trẻ em là đối tượng tiêu dùng độc lập thì khó có thể yêu cầu các em trở thành những “nhà tiêu dùng thông thái” như lời các cơ quan chức năng vẫn kêu gọi. Các em thường bị hấp dẫn trước những món ăn, thức uống có hương vị thơm ngon, màu sắc bắt mắt. Nhiều em ngay từ khi còn bé, chưa bước chân đến trường cũng đã được ăn món ăn này. Trong khi đó, cơ thể các em đang trong quá trình hoàn thiện và như vậy, sẽ là nguy hại nếu hấp thu thực phẩm nhiễm DEHP vào người trong một thời gian dài. Thực tế này khiến cho nhiều người trăn trở không biết liệu sức khỏe con mình có bị ảnh hưởng gì không khi đã ăn phải loại thạch hoặc uống nước giải khát nhiễm chất DEHP trước khi sự thật bị phơi bày trước công luận.

Trước sự việc này, dư luận xã hội thắc mắc, cơ quan chức năng đã làm gì trong thời gian qua để đến bây giờ, sau nhiều năm tiêu thụ, sản phẩm mới bị phát hiện?! Và các loại hàng hóa thực phẩm đóng gói khi bày bán công khai trên thị trường đều đã qua kiểm định, vậy sao vẫn để lọt sản phẩm nhiễm chất DEHP?! Hiện tại, chỉ nhắc đến đối tượng tiêu thụ là trẻ em đã thấy ngàn lần lo lắng, chứ chưa kể đến những người đã trưởng thành cũng ưa thích sản phẩm thạch rau câu này. Chính vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích người tiêu dùng có sự lựa chọn kỹ lưỡng trong việc tiêu thụ hàng thực phẩm thì các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn khâu kiểm định chất lượng ngay từ chính nhà sản xuất.
 
Đừng chủ quan khi nghĩ một số nhà sản xuất sẽ hoàn toàn tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm vì điều họ hướng đến trên hết vẫn là lợi nhuận. Chuyện gì sẽ xảy ra cho một thế hệ trẻ của chúng ta khi sức khỏe các em bị đe dọa bởi những món ăn ưa thích? Rõ ràng, câu chuyện sữa melamine khiến cho một số trẻ em ở Trung Quốc chết cũng chính là hồi chuông báo động tương tự như câu chuyện về thạch rau câu. Không ngăn chặn sớm, chắc chắn hậu quả sẽ khó lường mà đối tượng bị ảnh hưởng lâu dài nhất chính là thế hệ trẻ ngày nay.

Hà An
;
.
.
.
.
.