.

Trường Sa ở Hòa Cường

Bài viết “Có một Trường Sa ở Hòa Cường” của tác giả Hồng Vân (Báo Đà Nẵng, 23-6-2011) thật giàu ý nghĩa và làm xúc động mọi trái tim người. Bài báo cho biết có 7 người con ưu tú của Hòa Cường (trong số 64 sĩ quan, chiến sĩ Hải quân Việt Nam) đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa năm 1988. Càng thấm thía hơn khi ta đang sống trong thời điểm có những diễn biến phức tạp trên Biển Đông đòi hỏi nhân dân ta phải kiên quyết giữ gìn biển đảo của quê hương...

Những người dân Hòa Cường, Đà Nẵng đã đóng góp nhiều máu xương và vẫn âm thầm trong kiêu hãnh, tự hào suốt 23 năm qua. Có một cái gì đó từ thẳm sâu của tiềm thức, ta chợt hiểu rằng con người, tinh thần và sức mạnh của người Đà Nẵng cứ vẹn nguyên, nồng nàn và mãnh liệt cho dù tháng năm cứ đi qua. Chúng ta còn biết rằng, người dân Hòa Cường hôm qua, hôm nay đã tự nguyện chặt cây, hiến đất để có được con đường Trường Sa (nay là đường 30 Tháng 4) thật rộng và thật đẹp.
 
Mỗi năm, đến ngày 27-7, người Hòa Cường không quên lo chuẩn bị xe cộ để người thân của các anh đến thắp hương cho con em mình ở Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố. Đó không chỉ là sự tưởng nhớ, tri ân những tấm gương hy sinh anh dũng vì đất nước, quê hương mà còn để nhắc nhở thế hệ hôm nay rằng “thụ ân bất vong” là bản chất của lẽ sinh tồn của mọi tâm hồn Việt. Có lẽ, không ai có thể quên được câu nói của ông Lê Văn Xuân, thân sinh của liệt sĩ Lê Văn Xanh (thuộc biên chế của tàu HQ 604) khi ông tâm sự với các chiến sĩ trẻ Đà Nẵng: “Các con không được lùi bước. Chủ quyền lãnh thổ là điều thiêng liêng nhất”...

Năm 1979, khi đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh 30 năm nhọc nhằn, đau thương thì nhân dân ta lại phải cầm súng bảo vệ Tổ quốc một lần nữa. Năm 1988 là thời điểm nền kinh tế Việt Nam lâm vào khủng hoảng, khó khăn nhất, một lần nữa, những kẻ thích đục nước béo cò lại đang tâm xâm chiếm Trường Sa, giết hại hàng chục cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam, trong đó có 7 liệt sĩ Hòa Cường... Nói như thế để thấy rằng trong khi nhân dân ta đang phải tập trung trí tuệ, sức lực để giải quyết những khó khăn về kinh tế thì những kẻ cơ hội luôn luôn coi đó là “thời điểm thích hợp” để ngang nhiên chà đạp lên chủ quyền lãnh thổ của nước khác, thậm chí, mặc sức la lối theo kiểu vừa ăn cướp vừa la làng.

Lịch sử không bao giờ lặp lại nhưng lịch sử luôn cho ta thấy một cách rõ ràng những bài học cần thiết. Người Hòa Cường đã đổ máu ở Trường Sa để giữ gìn sự toàn vẹn thiêng liêng của Tổ quốc. Người Hòa Cường cũng biết và hiểu rõ rằng những mưu đồ tương tự như năm 1988 của những kẻ theo đuổi chủ nghĩa bành trướng sẽ không bao giờ thay đổi. Sự hy sinh của bảy người con Hòa Cường không bao giờ là vô ích: Toàn thể dân tộc Việt Nam không bao giờ cho phép bất kỳ kẻ nào có thể tái diễn những hành động nhằm xâm phạm giang sơn đất nước ta! Nếu mỗi người Việt Nam đều noi theo tấm gương anh dũng của 7 liệt sĩ Hòa Cường thì không một lời đe dọa nào, không một hành động thù địch nào có thể làm lung lay ý chí của chúng ta.

TÔ VĨNH HÀ
;
.
.
.
.
.