.

Cơ chế liên kết

Vậy là, với sự nỗ lực tự thân và nhất là quyết tâm chính trị của lãnh đạo Đảng, chính quyền của 7 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên - Huế  đến Khánh Hòa-gọi tắt là Vùng), hội thảo khoa học về liên kết phát triển lần đầu tiên của Vùng đã thành công tốt đẹp. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham gia có trách nhiệm, nhiệt tình và tâm huyết của các nhà lãnh đạo từ Trung ương đến 7 địa phương trong Vùng; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn trên cả nước.

Bên cạnh việc đóng góp ý kiến với tinh thần tích cực và có sự nghiên cứu nghiêm túc, các đại biểu gồm nhiều thành phần đã cùng thống nhất với nhau rằng, hội thảo là bước khởi đầu thuận lợi cho mối liên kết mà trong lịch sử phát triển của mình, 7 tỉnh trong Vùng đã chưa làm được.

Sự khởi đầu ấy, thể hiện cụ thể bằng việc lãnh đạo 7 tỉnh, thành trong Vùng đã ký một biên bản cam kết về các nội dung liên kết mà các địa phương đã nghiên cứu, bàn thảo và thống nhất cao. Biên bản ấy xác định một cơ chế liên kết với những nội dung chặt chẽ, cụ thể, làm cơ sở và tiền đề quan trọng cho các hoạt động liên kết trong Vùng. Đó là việc xác định quan điểm liên kết bình đẳng, các bên cùng có lợi trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng và thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và toàn Vùng để cùng phát triển; liên kết trên tinh thần tự nguyện của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; có bước đi thích hợp, theo từng giai đoạn, mục tiêu cụ thể trên cơ sở ưu tiên lựa chọn những nội dung, lĩnh vực thiết thực, trọng điểm cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và toàn Vùng; nội dung liên kết được xây dựng thành các dự án, chương trình cụ thể và có mục tiêu rõ ràng, thời gian triển khai, kinh phí, đơn vị và đối tác thực hiện.

Mục tiêu liên kết cũng là nội dung quan trọng được đề cập đến trong cam kết; với việc khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và toàn Vùng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững.

Phát triển mạnh các ngành công nghiệp và dịch vụ, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, có tầm cỡ khu vực và quốc tế; ưu tiên phát triển kinh tế biển (hạ tầng cảng biển, dịch vụ hàng hải, phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, chế biến và xuất khẩu thủy hải sản), góp phần tạo việc làm, nâng cao mức sống và trình độ dân trí cho các tầng lớp dân cư. Trong những năm trước mắt, ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu, có tính khả thi cao như phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường bộ liên tỉnh; hạ tầng và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ phát triển du lịch; phân công, chuyên môn hóa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, đầu tư… nhằm tạo lập không gian kinh tế toàn Vùng để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế...

9 nội dung liên kết cũng đã được xác định và thống nhất cao tại hội thảo là: Phân bố lại lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng địa phương; xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh và quốc tế, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ; thiết lập không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất; mở rộng quy mô đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; hợp tác trong việc huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế chính sách để đầu tư phát triển chung của Vùng; phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch toàn Vùng trong phát triển và quảng bá văn hóa; cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh Vùng; xây dựng hệ thống thông tin và trao đổi thông tin kinh tế - xã hội; đầu tư trên địa bàn; hợp tác bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Những nội dung liên kết trên cơ sở nghiên cứu một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng và mang tính khả thi. Tuy nhiên, đây không phải là những vấn đề dễ làm, vì vẫn còn vướng những việc liên quan đến lịch sử, đến cơ chế và chính sách, đến nguồn lực, đến tư tưởng và quyết tâm... Thế nhưng, để làm được những vấn đề khó mà lịch sử chưa làm được, chính là các nhà lãnh đạo các địa phương cũng như nhân dân trong Vùng hôm nay sẽ tạo nên dấu ấn lịch sử của mình, khởi đầu bằng việc thống nhất xây dựng cơ chế liên kết của Vùng.

Nói như Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh trong phát biểu kết luận Hội thảo, rằng “khó nhưng không phải vì khó là không làm, mà phải làm cho mai sau”!

Anh Quân

;
.
.
.
.
.