.

Hướng về Hoàng Sa...

Đại tá Trịnh Ngọc Văn, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Phó Chính ủy BĐBP thành phố Đà Nẵng vừa có bài viết “Bảo vệ chủ quyền biển, đảo gắn phát triển kinh tế biển” trên Báo Đà Nẵng, số ra ngày 4-7 với những ý kiến vừa cụ thể vừa sâu sắc nhằm thực hiện Chương trình hành động theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và Nghị quyết của Thành ủy Đà Nẵng “Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế biển, là một trong ba trung tâm lớn của nước ta, động lực phát triển khu vực miền Trung-Tây Nguyên hướng ra biển Đông và các nước tiểu vùng sông Mê Kông”...

Bài viết đã kiến nghị lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đưa nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển - đảo và xây dựng lực lượng BĐBP vào chỉ thị về nhiệm vụ quốc phòng-an ninh hằng năm để lãnh đạo gắn với lãnh đạo phát triển kinh tế biển. Kiến nghị Ủy ban MTTQ chủ trì phối hợp các đoàn thể quần chúng phát động phong trào “Toàn dân hướng về biên giới biển - đảo và huyện đảo Hoàng Sa”, vận động quỹ hỗ trợ nhân đạo cho các hoạt động trên các vùng biển Tổ quốc gặp rủi ro, sự cố, tai nạn thiệt hại người, tài sản cần được giúp đỡ ngay để động viên, chia sẻ, đồng thời nhằm khơi dậy lòng yêu Tổ quốc, quý trọng từng tấc đất thiêng liêng mà cha ông đã đổ bao xương máu để bảo vệ vẹn toàn biên cương, bờ cõi Việt Nam thân yêu trong các tầng lớp nhân dân thành phố và cả nước...

Một sự trùng hợp có ý nghĩa là cũng trong những ngày đầu tháng 7, Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 18 diễn ra tại Quảng Ngãi với chủ đề: “Báo Đảng địa phương với việc tuyên truyền phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia”. Tham luận của các đại biểu cho thấy các báo đã mở nhiều chuyên trang, chuyên mục phản ánh kịp thời các hoạt động của quân dân ta tại vùng biên giới biển đảo, nhất là ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; các hoạt động khai thác hải sản của ngư dân, phát hiện biểu dương gương điển hình tiên tiến trong nhiệm vụ bám biển giữ ngư trường… Tham luận của nhiều nhà báo đều thống nhất cần có sự liên kết, chia sẻ thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo giữa các báo Đảng trong khu vực, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đối với hoạt động khai thác hải sản để ngư dân có được nhiều đội tàu đánh bắt xa bờ công suất lớn, tích cực bám biển tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, vừa làm nhiệm vụ phát triển kinh tế biển vừa tham gia bảo vệ biển đảo của Tổ quốc…

Khi nói về chủ quyền biển đảo, về Hoàng Sa, Trường Sa chúng ta không thể quên những người con nước Việt trong các thời kỳ lịch sử đã bỏ mình vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Chúng ta không được quên hơn 10 chiến sĩ Hải quân Nhân dân quê ở phường Hòa Cường (cũ) đã nằm xuống ở vùng biển Gạc-ma, Trường Sa hồi tháng 3-1988. Chúng ta cũng không quên hàng trăm ngư dân đã bỏ mạng giữa biển khơi trong trận bão Chanchu cách đây không lâu. Tất cả họ, dù là ngư dân hay hải quân cũng đều là những công dân Việt Nam yêu nước. Họ có thể khác nhau về xuất thân, về nghề nghiệp, nhưng vì mỗi tấc đất của Tổ quốc đã không quản ngại sự hy sinh. Vì vậy, hướng về Hoàng Sa, Trường Sa, mãi mãi chúng ta tri ân họ, Tổ quốc tri ân họ...

Trong phong trào “Toàn dân hướng về biên giới biển - đảo và huyện đảo Hoàng Sa” như đề nghị của Đại tá Trịnh Ngọc Văn, tôi nghĩ thành phố Đà Nẵng có thể xây dựng một tượng đài kỷ niệm những người lính Việt, những ngư dân - gọi chung là những nghĩa sĩ Hoàng Sa - đã bỏ mình vì sự toàn vẹn lãnh thổ và đặt ngay trên công viên dọc đại lộ Hoàng Sa gần dãy Sơn Trà để tri ân họ, đồng thời nhắc nhở cháu con muôn đời, đó là một phần máu thịt của Tổ quốc.

NGUYỄN SÔNG HÀN
;
.
.
.
.
.