.

Thế mạnh được nhân lên

Hôm nay, Hội thảo khoa học “Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung” chính thức được tổ chức tại Đà Nẵng. Tham gia Hội thảo có rất nhiều nhà khoa học, lãnh đạo cao cấp của 7 tỉnh duyên hải miền Trung (sau đây gọi là PC7 - 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - 7 Provinces & City) là Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Nói như thế để thấy rằng Hội thảo sẽ tìm để thấy rõ, thấy đúng tính khách quan, lòng quyết tâm, sự tỉnh táo và trách nhiệm của “túi khôn” có thẩm quyền của miền Trung nói riêng, cả nước nói chung trước các vấn đề cấp bách mà thực tiễn kinh tế - xã hội đang đặt ra.

PC7 có tổng chiều dài bờ biển là 1.161km, chiếm 1/3 chiều dài bờ biển của nước ta. Các thông số phản ánh rằng vị thế đặc biệt của PC7 chưa tương xứng với điều kiện và cơ hội, tiềm năng, vai trò, vị thế trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh từ cách nhìn tổng thể chung của đất nước.

PC7 có diện tích tổng cộng là 38.210,9km2, chiếm 11,54% diện tích cả nước, chiếm 11,03% tổng sản phẩm nội địa (GDP - 2010) – 60.857,96 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10%, thu hút tổng số vốn đầu tư năm 2010 là 86.862 tỷ đồng (10,46% của cả nước), tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,549 tỷ USD (3,54% cả nước – 2010). Về dân số, PC7 có 8,18 triệu người, chỉ chiếm 9,42% dân số cả nước; trong đó dân cư thành thị chiếm tỷ lệ cao hơn cả nước – 32,87% so với 30,48%. PC7 có 28 trường đại học, 106 bệnh viện. Tỷ lệ giường bệnh trên một vạn dân là 17,451 (cả nước là 16,837). Ngoại trừ Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, tỷ lệ hộ nghèo vẫn là khá cao so với mức bình quân cả nước... Về kết cấu hạ tầng, PC7 có 6 sân bay (trong đó có 4 cảng hàng không quốc tế, 7 cảng nước sâu, 6 khu kinh tế ven biển (cả nước có 15) và 1 khu công nghệ cao (cả nước có 3), 4 Di sản văn hóa thế giới, 3 trong số 50 bãi biển đẹp nhất thế giới...

Lý do, mục đích của Hội thảo lần này là trả lời câu hỏi tại sao có nhiều lợi thế như thế mà cho đến nay PC7 vẫn nghèo? Các giải pháp để phát triển ở đâu? Sự đầu tư của Trung ương như thế nào là đúng, sự liên kết trong PC7 như thế nào là đủ? Làm sao để sự hợp tác không nằm trên giấy mà nhanh chóng được hiện thực hóa theo cấp số nhân chứ không phải là cấp số cộng? Vừa phát triển kinh tế - du lịch vừa bảo đảm vai trò an ninh trong tuyến đảo - quần đảo: Cù lao Chàm - Lý Sơn - Hoàng Sa ra sao?...

Sẽ có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, vô số vấn đề phải thảo luận, nhưng có lẽ, điều mà dư luận chờ đợi – hơn 8 triệu người của PC7 đòi hỏi là Hội thảo lần này sẽ tạo ra bước đột biến thực sự, sự thay đổi nhanh chóng, rõ ràng và sự liên kết (hợp tác) chân thành hiệu quả.

Thứ nhất, mỗi địa phương trong PC7 phải thành lập một Ban điều hành Hợp tác có quyền hạn tương đương cấp sở, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố thì mới có thể có đủ điều kiện để hợp tác chặt chẽ, bảo đảm giảm thiểu thấp nhất mọi nguy cơ gây nên ách tắc, chậm trễ.

Thứ hai, sự mâu thuẫn và xung đột về lợi ích là không thể tránh khỏi. Do đó, lợi thế của mỗi địa phương sẽ được ưu tiên, sao cho sự cân bằng về lợi ích được thiết lập một cách lâu bền. Chẳng hạn, sẽ không thể nào liên kết được 28 trường đại học nếu chứng chỉ của đại học này không thể trở thành cái được công nhận mặc nhiên của trường kia. Do đó, các cuộc họp riêng rẽ cho từng bước đi cụ thể của mỗi ngành là điều bắt buộc để mở đầu cho sự liên kết.

Thứ ba, rất cần có một vị thủ lĩnh PC7 để đứng ra làm trọng tài, phân xử các tranh chấp hay các dạng “nói mà không làm” và Hội đồng chủ tịch đó (gồm 7 thành viên của 7 địa phương) phải có quyền hạn nhất định. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng các chế tài càng rộng nghĩa, các quyền hạn càng mơ hồ thì sự hợp tác càng kém hiệu quả.

Thứ tư, PC7 phải đề đạt đến mức cao hơn về hiện thực của một thực tế hiển nhiên chính PC7 là điểm quan trọng nhất của đất nước trong vài thập kỷ tới đây. Đây là vùng kinh tế - xã hội - chính trị sẽ phát triển nóng nhất, nhiều thời cơ và cũng lắm thách thức nhất (nhất là Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa) – PC7 có (phải chịu trách nhiệm trực tiếp) đến hai vùng chiến lược trọng yếu của Tổ quốc Việt Nam.

Thứ năm, các thông số tham khảo khái quát đã nêu ở trên nói rằng sự không tương xứng về khả năng và hiện thực của PC7 là điều không thể bao biện. “Túi khôn” của 7 tỉnh, thành phố; của các nhà khoa học sẽ giải đáp cho câu hỏi nhức nhối từ bao năm nay về định đề  xót xa – khúc ruột miền Trung!
Nếu hợp tác hay liên kết chỉ là phép cộng của “sự thêm vào” thì đi theo nó sẽ là gánh nặng của phát triển.

Nếu không có những ràng buộc đủ khả năng để điều phối thì sự tham gia của các thành viên trong “sân chơi” sẽ không thể nào phát huy được hết sức mạnh thực có của mỗi cá nhân. Nếu không vì cái tổng thể thì những ngôn ngữ, cách hiểu của bàn luận sẽ thiếu mất tính thực tế cần thiết. Tại sao cả châu Âu mênh mông và khác biệt nhiều đến thế mà hợp tác, đồng thuận vẫn thành công?

Tin tưởng và hy vọng rằng PC7 – từ hôm nay, sẽ khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới để đem đến những điều tốt đẹp nhất cho 7 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung, để xóa đi vĩnh viễn cái nghèo, cái xót xa của “khúc ruột” dai dẳng suốt bao đời nay...

Tô Vĩnh Hà

;
.
.
.
.
.