.

“Kẻ thù” của bữa ăn ngày Tết

Những thông tin đầy đe dọa với rất nhiều hiểm họa cứ liên tục xuất hiện trên mặt báo làm các bà nội trợ hốt hoảng, âu lo: Phát hiện 30 tấn xương thối ở Hà Nội chuẩn bị vận chuyển vào Nam (Tiền Phong, ngày 5-1-2012); uống rượu thuốc, một người chết, 20 người cấp cứu (Dân Trí, ngày 7-1); lạp xưởng làm từ lòng heo thối (Thanh Niên, ngày 8-1); 1,1 tấn chân trâu bò thối tuồn vào thành phố Hồ Chí Minh (Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, ngày 9-1); cổ hũ dừa ngâm chất tẩy trắng, củ cải muối mốc xanh mốc đỏ (Tuổi Trẻ, ngày 9-1)...

Những vụ việc tệ hại trên cứ “đến hẹn lại lên” vào mỗi dịp Tết đến, xuân về nhưng có lẽ chưa bao giờ rộ lên nhiều như năm nay. Và đó mới chỉ là phần nổi của một tảng băng, bởi có hàng ngàn tấn thực phẩm độc hại khác chưa bị lộ. Cũng đừng ngụy biện là do hàng hóa đắt đỏ, người sản xuất “buộc phải” cố tình bịt mắt, bưng tai trước quan tòa đạo đức, lương tâm để mong kiếm lợi thật nhiều, bất chấp chuyện sống chết của người mua. Thực ra, cái thói quen giả dối và lừa đảo là một trong những thói quen xấu nhất của người Việt đã tồn tại rất lâu.

Vậy, chẳng lẽ cách làm ăn trong sạch, cách kiếm tiền để sinh sống hợp pháp lại chào thua sự dối gian tệ hại đang tràn lan? Mới đây, một quan chức có trách nhiệm cao nói đại ý rằng sẽ “phấn đấu” để đến năm 2020 kiểm soát cơ bản vệ sinh an toàn thực phẩm”(!?). Người dân nghe mà không tin vào tai đã nghe, không dám thấy cái mà con mắt đã nhìn. Nếu cái gì cũng chờ đến năm 2020 thì có biết bao thói hư, tật xấu, biết bao sự độc hại và hiểm họa mặc sức tác quái, hoành hành. Chưa nói đến những hậu quả khôn lường về sức khỏe, giống nòi mà cái sâu xa - nhiều hệ lụy là căn bệnh dối gian càng để lâu càng tương tác, phát tán khắp nơi, khắp chốn, làm băng hoại đạo đức xã hội, làm suy đồi văn hóa, làm những nỗi âu lo chất chồng…

Với những hậu quả ghê gớm ấy, không thể chờ kỳ hạn nào, phấn đấu vào lúc nào, mà phải có những giải pháp cấp bách, triệt để nhằm trị căn bệnh hiểm nghèo trên càng sớm càng tốt. Cần phải có các khung hình phạt thật nặng - không loại trừ các mức án cao nhất đối với loại tội ác nghiêm trọng. Phải có các chế tài kinh tế đủ mạnh để làm sao một lần phạt là một lần kẻ xấu phải khiếp sợ. Chẳng hạn, phạt hành vi gây mất ổn định xã hội đến 270 triệu đồng trong khi phạt tội gieo rắc thực phẩm độc hại chỉ vài triệu là sự bất cập khó chấp nhận.

Xã hội không thể thư thái, trong lành khi người nội trợ phải đương đầu với rất nhiều nỗi lo từ bữa ăn hằng ngày. Thử hình dung trong mâm cơm ngày Tết, mỗi bà nội trợ đang vô tình gây ủ mầm bệnh cho cả nhà vì lỡ mua phải thực phẩm độc hại thì còn đâu vui Tết, đón xuân. Ngộ độc thức ăn, ngộ độc rượu năm nào cũng xảy ra và năm nào sự bất lực cũng ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Chỉ còn mấy ngày nữa là đến Tết Nhâm Thìn. Thiết tha mong mỏi các cơ quan chức năng tận tâm tận lực hơn nữa để góp phần bảo vệ cho môi trường - xã hội trong sạch hơn, bữa cơm của mỗi gia đình trở nên an lành hơn. Đừng nói quá nhiều về những điều cao xa trong khi chủ nghĩa xã hội - như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa nói mới đây: “CNXH là những cái sát sạt hằng ngày”…

HÀ VĂN THỊNH

;
.
.
.
.
.