Ý tưởng của ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy kiêm Chủ tịch Hội Nghiên cứu lịch sử thành phố Đà Nẵng, về việc đăng ký làm công dân danh dự của Hoàng Sa (Báo Đà Nẵng đề cập trong bài viết Hướng về Hoàng Sa, số ra ngày 11-1-2012) đã và đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận, đồng thời làm “nóng” diễn đàn trên các phương tiện truyền thông cũng như các trang mạng xã hội ngay trong những ngày đầu năm mới.
Theo ông Bùi Văn Tiếng, Nhà nước cần cho phép những ai yêu mến Việt Nam, không phân biệt người trong nước hay nước ngoài, đăng ký làm công dân danh dự của Hoàng Sa; và mong muốn này như một tâm nguyện, một sự gắn bó, một lời khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa. Ý tưởng này xuất phát từ tâm huyết, trách nhiệm của người làm công tác nghiên cứu lịch sử và cũng là khát vọng của hàng triệu người dân Việt Nam trong việc giành lại chủ quyền Hoàng Sa, là cơ sở để đấu tranh đòi lại vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc bằng giải pháp hòa bình.
Ý tưởng về công dân danh dự của Hoàng Sa ngay khi được ông Bùi Văn Tiếng chia sẻ trong chương trình Người đương thời vào ngày 30-12-2011 trên VTV1 đã làm bao người xúc động. Công dân danh dự là khái niệm mang ý nghĩa văn hóa - danh hiệu mà một quốc gia hoặc một địa phương có thể trao cho những người có đóng góp cho sự phát triển của quốc gia hay địa phương đó. Đăng ký làm công dân danh dự của Hoàng Sa là thể hiện trách nhiệm đối với lịch sử dân tộc và đây là minh chứng rõ ràng không thể chối cãi về chủ quyền lãnh thổ. Đăng ký làm công dân danh dự của Hoàng Sa sẽ không những kết nối những trái tim yêu nước, khơi dậy và thúc đẩy trách nhiệm của người dân Việt, mà còn kết nối tình cảm của bạn bè quốc tế với dải đất hình chữ S, mang đến cho huyện đảo những công dân mới, chứ không đơn thuần dừng lại ở cương vị pháp lý. Bởi lẽ hiện tại, chức danh Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa đã được xác lập, nhưng đảo vẫn chưa có công dân.
Trên các trang mạng xã hội, tuy vẫn có nhiều ý kiến khác nhau nhưng không ít người đã bày tỏ nguyện vọng trở thành công dân danh dự của Hoàng Sa. Sau một năm với nhiều biến động trên Biển Đông, trái tim của người Việt dường như đang được thôi thúc hướng về biển đảo với niềm tin sâu sắc, với khát vọng mãnh liệt khẳng định chân lý: Hoàng Sa là của Việt Nam.
Người dân Đà Nẵng bước vào năm Nhâm Thìn 2012 với kỳ vọng rằng, thành phố trong năm mới sẽ có nhiều bước chuyển mình hơn nữa, để mục tiêu “thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống” sớm trở thành hiện thực. Trong niềm tin đó có cả niềm tin rằng, Hoàng Sa sẽ trở về với Việt Nam và người Đà Nẵng tự hào trở thành những công dân danh dự đầu tiên của vùng sóng nước này. Song, để hiện thực hóa ý tưởng mang công dân cho Hoàng Sa cần có sự vào cuộc của Nhà nước, như nhà sử học Dương Trung Quốc đã nhấn mạnh trên Báo Tuổi Trẻ (ngày 29-1-2012). Và quan trọng sau đó là cách làm của thành phố Đà Nẵng, để danh hiệu công dân danh dự của Hoàng Sa thật sự thiêng liêng và mang trọn vẹn ý nghĩa của tình yêu Tổ quốc.
TÚ PHƯƠNG