.

Nhân tài và mùa Xuân của Đảng

Cùng với những vấn đề mới được đặt ra, với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, Nghị quyết số 12-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) vừa ban hành đã đưa ra những giải pháp nhằm thực hiện những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Trong đó, nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách đã đề cập rõ ràng rằng: “Trong năm 2012 ban hành quy chế giám sát (trực tiếp và gián tiếp) của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp; trong đó có cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học; cơ chế để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.

Từ những sự kiện này, nhớ lại phát biểu cách đây 5 năm (năm 2008) của GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản): “Từ cải cách tiệm tiến đến xây dựng cơ chế chất lượng cao”. Phát biểu này đã được thể hiện trong cuốn sách “Việt Nam từ năm 2011 - Vượt lên sự nghiệt ngã của thời gian”, cho rằng, “để có phát triển bền vững ở giai đoạn tiếp theo, phải có cơ chế ở thứ nguyên cao hơn, tạm gọi là cơ chế chất lượng cao (high quality institutions)”.

Từ những phân tích của mình, ông cho thấy có 3 tiền đề để có cơ chế chất lượng cao.  

Một là, bảo đảm tính dân chủ trong việc hoạch định các chiến lược, chính sách. Lãnh đạo chính trị quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm về quyết định nhưng phải trên cơ sở bàn bạc rộng rãi giữa các chuyên gia, giới ngôn luận và các thành phần khác của xã hội... Cơ chế bảo đảm tham gia có chức năng ngăn ngừa những quyết định, những chính sách phục vụ các nhóm lợi ích đi ngược lại lợi ích chung của đất nước, của đông đảo dân chúng... Hai là, ý kiến của chuyên gia, giới kỹ trị không bị chính trị chi phối; trong đó, giới chuyên gia nghiên cứu, phân tích, đề xuất chính sách, chiến lược; lãnh đạo chính trị sẽ cân nhắc, chọn lựa chính sách, chiến lược và chịu trách nhiệm về sự chọn lựa đó. Ba là, phải có đội ngũ quan chức giỏi thật sự để quá trình đặt ra các chính sách và thực hiện chính sách có hiệu quả. Chế độ thi tuyển công khai, nghiêm minh và chế độ đãi ngộ thỏa đáng là điều kiện để có đội ngũ quan chức vừa có năng lực vừa cảm nhận được sứ mạng cao cả của mình và tránh được tệ nạn tham nhũng.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: “Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa hội nhập quốc tế... Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có khó khăn, thách thức. Đảng ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp. Không ít vấn đề lý luận và thực tiễn chưa đủ sáng tỏ, cho nên ý kiến thường rất khác nhau”.

Vì vậy, trong việc thực hiện nội dung “tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cần phải theo cơ chế chặt chẽ, khoa học, để bảo đảm phát huy tinh thần, trí tuệ của những chuyên gia, nhà khoa học giỏi, chân chính, phục vụ tích cực cho đường lối phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mà theo cách nói của GS Trần Văn Thọ là “xây dựng được cơ chế chất lượng cao bảo đảm cho các nguồn lực tích cực tham gia vào quá trình phát triển”.

Có như thế thì Đảng mới phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, để mỗi mùa Xuân của Đảng là một mùa Xuân mới an bình, thịnh vượng của cả dân tộc.

ANH QUÂN

;
.
.
.
.
.