.

Tấp nập khách nước ngoài

Tiếp sau chuyến xông đất rộn rã của gần hai nghìn du khách quốc tế ngay mồng Một Tết Nhâm Thìn 2012, là hàng loạt chuyến bay, chuyến tàu biển tấp nập chở khách từ mọi phương trời về Đà Nẵng. Bất chấp kinh tế thế giới chưa kịp hồi phục sau một loạt chấn động, và những dự báo ảm đạm của nhiều hãng lữ hành về lượng khách nước ngoài vào Việt Nam, thì Đà Nẵng vẫn phấn khởi đón một lượng khách không nhỏ.

Trong buổi đón tàu biển Costa Classica đầu năm, vị đại diện Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng đưa ra một thông tin khá thú vị: Với hơn 28 nghìn người, số lượng khách tàu biển cập cảng Tiên Sa chỉ riêng ba tháng đầu năm 2012 đã vượt qua con số của cả năm 2011 cộng lại. Bởi trong mùa khách quốc tế từ đây đến hết tháng 3, những chuyến tàu cao cấp 5 sao nổi tiếng đều chọn Đà Nẵng làm một trong những điểm đến quan trọng trên hành trình của mình tại Việt Nam.

Khởi đầu là sự trở lại đều đặn hằng tuần của tàu SuperStar Aquarius trong 5 tháng liền, từ gần cuối năm ngoái đến hết quý 1 năm nay, với trên 1,5 nghìn lượt khách mỗi chuyến. Sau đó, nhiều tàu lớn khác liền tiếp nối, mang theo hàng chục nghìn lượt khách nhà giàu, tạo thu nhập cho cộng đồng dân cư và địa phương thông qua việc mua sắm, tham quan, ăn uống, nghỉ dưỡng.


Phía hàng không cũng không chịu kém cạnh, khai thác hàng loạt đường bay mới trực tiếp từ Đà Nẵng đến Hàn Quốc, Malaysia và ngược lại, nâng số đường bay quốc tế trực tiếp hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng lên con số 10. Trong đó, sôi nổi nhất phải kể đến các chuyến bay từ các khu vực nói tiếng Hoa như Quảng Châu, Vũ Hán, Bắc Kinh, Thượng Hải, Côn Minh, Đài Bắc, với tần suất 2-3 chuyến/tuần cho mỗi chặng bay, chở theo khoảng 150 du khách châu Á trên mỗi chuyến.

Với những tín hiệu lạc quan trên, Đà Nẵng có thể chứng tỏ hướng đi đúng là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lấy du lịch làm mũi nhọn.

Mọi hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, thủ tục hải quan thông thoáng hơn, hỗ trợ hàng không… đã mang lại những kết quả khá khả quan. Tuy nhiên, những nhà làm du lịch vẫn chưa giải được bài toán là làm sao hệ thống dịch vụ của Đà Nẵng trong một số thời điểm có thể chịu được áp lực khi một lượng lớn du khách cùng đổ vào một lúc? Các hãng lữ hành không ít lần phải cuống cuồng tìm xe cộ, hướng dẫn viên phục vụ du khách và tìm các giải pháp tạm thời như “kéo” xe từ các địa phương khác về, đào tạo nhanh hướng dẫn viên, hoặc trả lương cao cho hướng dẫn viên giỏi từ TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, thiếu các sản phẩm đặc trưng, thiếu các điểm giải trí tầm cỡ, Đà Nẵng bỏ lỡ nhiều cơ hội khai thác chi tiêu của du khách. Một khi có thể “dụ” du khách vui vẻ “móc túi” trả tiền cho hàng loạt dịch vụ, thì thu nhập xã hội từ du lịch mới tăng đáng kể, đời sống người dân mới thực sự tốt hơn nhờ du lịch. Và khi đó, Đà Nẵng mới được biết đến như một nơi hấp dẫn mà người ta sẵn sàng tới bởi có quá nhiều thứ để xem, quá nhiều thứ đáng để bỏ tiền ra mua.   

PHONG KHÁNH

;
.
.
.
.
.