.

Tiếp sức doanh nghiệp

Những ngày qua, các dự án, công trình trọng điểm của thành phố đồng loạt ra quân đầu năm. Công cuộc xây dựng, kiến thiết thành phố lại tiếp tục với không khí thi đua sôi nổi. Sự phản ánh khí thế xuất quân đầy hào hứng trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tạo niềm tin trong nhân dân về một năm tiếp tục phát triển của thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng trong bức tranh ấy dường như vẫn thiếu sự phản ánh nhịp sống của các doanh nghiệp sản  xuất kinh doanh mà chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đâu đó vẫn còn đầy cam go, thách thức mà  các  doanh nghiệp lo lắng không thể vượt qua.

Những doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn, người lao động đã phải chia sẻ, gồng gánh vượt qua cái Tết Nhâm Thìn  không một đồng tiền thưởng. Ngay cả  một số  doanh nghiệp làm ăn hiệu quả trong năm 2011 cũng không giao chỉ tiêu kế hoạch trong năm 2012. Năm 2011, Đà Nẵng có 2.350 doanh nghiệp đăng ký thành lập với vốn đăng ký bình quân 4 tỷ đồng/doanh nghiệp nhưng vốn thực hiện chỉ trên dưới một tỷ đồng. Điều này cho thấy  vốn vay vẫn là nguồn lực chính để các doanh nghiệp xoay vòng sản xuất kinh doanh. Một công ty xuất khẩu lương thực với 200 lao động, mặc dù đã cố gắng đa dạng hóa ngành nghề trong điều kiện khó khăn để giữ chân người lao động nhưng vẫn rơi vào tình trạng thua lỗ. Bởi lợi nhuận của doanh nghiệp phải trên 30% mới có lãi sau khi đã khấu hao và chi phí vay ngân hàng.

Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ mong mỏi một năm mới Nhà nước sẽ có những chính sách tiền tệ linh hoạt và hợp lý. Đó là hiện thực hóa việc kéo lạm phát xuống dưới 9%, lãi  suất huy động giảm xuống 10% nhưng đồng thời lãi vay cũng giảm đáng kể chứ không như tình trạng lãi suất trần huy động đã xuống 14% nhưng lãi vay ở mức thỏa thuận có khi lên đến 25% như hiện nay.

Không chỉ riêng Đà Nẵng mà trong cả nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp trên 50% GDP, tạo ra 90% việc làm mới cho xã hội. Doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được đánh giá cao về mức độ linh hoạt và khả năng đổi mới, hội nhập nhanh nhạy. Vấn đề đã đề cập nhiều lần nhưng vẫn không thừa là doanh nghiệp vừa và nhỏ  cả nước đang rất cần một cuộc tiếp sức để con số 30% doanh nghiệp phá sản, 80% doanh nghiệp  đang trong giai đoạn cầm cự sẽ giảm xuống đáng kể trong năm 2012.

Theo kiến nghị từ TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: “Năm 2012 chính sách tiền tệ nên “nới” ra một chút, để thành phần kinh tế dễ thở hơn. Đặc biệt, năm 2012 đối với điều hành chính sách tiền tệ cần có ba thay đổi, đó là tăng trưởng tín dụng theo khả năng của từng ngân hàng, bỏ thực hiện Nghị định 141 về tăng vốn pháp định lên 3.000 tỷ đồng và bỏ trần lãi suất huy động để giảm bớt áp lực cho các ngân hàng nhỏ, giảm bớt áp lực tài trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước”. Chính sách tiền tệ linh hoạt trong năm nay nếu thực hiện được một cách quyết liệt sẽ hy vọng tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh,  vực dậy thị trường bất động sản và chứng khoán cũng như tăng tính thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng. Nhờ đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận những nguồn vốn hợp lý hơn để duy trì và tăng trưởng trở lại. Trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn do tác động suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với cuộc tiếp sức, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải  chủ động thắp lên ngọn  lửa nghề nghiệp của chính mình.

THU PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.