Thời sự và bàn luận

Lập lại trật tự khai thác khoáng sản

07:44, 10/04/2015 (GMT+7)

Bức xúc trước tình trạng khai thác lén lút khoáng sản, từ đầu tháng 4 đến nay, lãnh đạo thành phố tổ chức nhiều buổi phục kích để bắt quả tang việc vận chuyển, khai thác khoáng sản trái phép vào ban đêm tại một số địa phương.

Điều đáng nói là có một số ban, ngành, địa phương liên quan nhưng không hay biết việc này. Câu hỏi đặt ra là vì sao lãnh đạo thành phố phải cất công “vi hành” như thế, và công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản hiện nay đã được siết chặt, dần đi vào nền nếp hay vẫn còn lỏng lẻo, thậm chí có nơi bị buông lỏng? Bên cạnh đó, các sở, ngành và người đứng đầu các địa phương đã thực sự làm tròn trách nhiệm trong công tác này hay chưa, là vấn đề cần tập trung làm rõ.

Qua kiểm tra thực tế, lãnh đạo thành phố chỉ đạo ghi lại hình ảnh nhiều quả đồi bị phá nát, nhiều vùng đất bằng phẳng nay biến thành ao hồ đọng nước do khai thác trái phép dẫn đến nguy cơ tổn hại rất lớn về môi trường.

Cũng từ đây, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trở thành một trong những vấn đề bức xúc nhất được đưa ra giải quyết nhiều lần tại các cuộc họp giữa lãnh đạo thành phố với các sở, ngành và quận, huyện thời gian gần đây. Mục đích mà chính quyền thành phố hướng đến là nỗ lực để chấn chỉnh công tác quản lý, khai thác khoáng sản, không để nguồn tài nguyên khoáng sản thất thoát như đã từng xảy ra trong thời gian qua.

Trên thực tế, trong năm 2014, hàng chục vụ vận chuyển, khai thác khoáng sản trái phép bị phát hiện. Đó là những vụ khai thác cát trên sông Cu Đê gây sạt lở, ảnh hưởng đến sản xuất đất nông nghiệp, làm biến đổi dòng chảy, gây nên tình trạng sạt lở nghiêm trọng trong mùa mưa bão. Việc khai thác đất nghi chứa cao lanh chở vào bán tại Quảng Nam cũng được lực lượng chức năng phục kích, chặn bắt và xử phạt rất nghiêm. Riêng từ đầu năm 2015 đến nay, cơ quan chức năng phát hiện, tập trung xử lý hàng chục vụ vi phạm về khai thác trái phép ngay trong địa bàn các khu công nghiệp, khu vực đồi, ven sông…

Tình trạng hàng chục đối tượng xuống tận nhà dân móc nối để mua và khai thác cát đã làm nham nhở những mảnh đất vườn vốn bằng phẳng cũng đã được ngăn chặn và cảnh báo sớm để người dân không tiếp tay cho đối tượng xấu trục lợi.

Câu hỏi đặt ra là có hay không sự thông đồng tiếp tay cho các đối tượng sai phạm của cán bộ ở cơ sở. Bởi lẽ, tại một số địa phương, việc khai thác trái phép đã diễn ra trong thời gian dài nhưng không được chấn chỉnh, để diễn ra theo chiều hướng nghiêm trọng hơn. Trách nhiệm gần dân, sát dân và công tác phân nhiệm kiểm tra, giám sát nắm chắc địa bàn liệu bị buông lỏng nên mới dẫn đến thực tế trên? Đây là điều cần được làm rõ trong thời gian đến.  

Cũng liên quan đến khai thác khoáng sản, một vấn đề đặt ra là nhiều nhà đầu tư khai thác khoáng sản được cấp phép theo quy định nhưng không cam kết thực hiện việc hoàn thổ để bảo đảm công tác môi trường và bình địa vùng đã khai thác. Đây là tình trạng phổ biến đã gây ra những ảnh hưởng bất lợi về môi trường mà nhiều năm nữa mới khắc phục được.

Để chấn chỉnh tình trạng này, thành phố buộc chủ đầu tư phải tiến hành hoàn thổ, nếu không thì tiến hành niêm phong và tịch thu tài sản của doanh nghiệp. Đây là việc làm quyết liệt và kịp thời nhằm góp phần chấn chỉnh và lập lại trật tự trong công tác quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố trong thời gian đến.

DIỆU MINH

.