Thời sự và bàn luận
Đến và cảm nhận
Có một thực tế đã và đang diễn ra là công tác tuyên truyền, giáo dục lâu nay của chúng ta về biển, đảo quê hương còn ít chú trọng đến hình thức “trực quan sinh động” nhằm giúp cho mọi người có những cảm xúc, nhận biết một cách nhanh chóng và ấn tượng nhất.
Hiện nay, vấn đề đang được nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm là chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Do vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ trở nên cấp bách và hết sức quan trọng. Bởi chính lớp trẻ là những người sẽ tiếp bước cha anh trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Nên việc giúp cho họ có cái nhìn thực tế và sâu sắc, cụ thể về đất nước, về biển đảo phải được đặt lên vị trí hàng đầu, nhất là các địa phương có vùng biển và hải đảo.
Thời gian gần đây, qua theo dõi nhận thấy công tác tuyên truyền về lĩnh vực này ở các địa phương trong cả nước, trong đó có Đà Nẵng, đã có những cải thiện đáng kể như: Triển lãm hiện vật, bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa; đưa vào trường học các tiết học về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa; các chương trình nghệ thuật, các sáng tác văn học về biển đảo; xây dựng trụ sở chính quyền huyện đảo Hoàng Sa và Nhà trưng bày Hoàng Sa…
Tuy nhiên, theo chúng tôi vẫn còn khá nhiều việc để làm nhằm đưa vấn đề biển đảo, để cho mọi người có cái nhìn rõ hơn, nhận thức sâu sắc hơn và tự nguyện tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đà Nẵng là thành phố ven biển, được Nhà nước giao là đơn vị hành chính quản lý huyện đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép từ năm 1974. Do vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục phải thường xuyên hướng vào mục tiêu nhằm làm cho mọi công dân thành phố phải thấy được đây là nỗi đau mất mát vô cùng to lớn; đồng thời, từ nhận thức đó sẽ có những hành động cụ thể của mình để góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói chung, Hoàng Sa thân yêu nói riêng.
Ngoài việc xây dựng trụ sở huyện đảo Hoàng Sa, Nhà trưng bày Hoàng Sa, thành phố cần chú trọng hơn nữa công tác giáo dục thực tế cho công dân, nhất là những công dân nhỏ tuổi hiểu tường tận về lịch sử Hoàng Sa; về chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đà Nẵng có lợi thế là lực lượng Hải quân, Kiểm ngư… đứng chân trên địa bàn thành phố. Do vậy, cần tổ chức các cuộc tiếp xúc, giao lưu, trao đổi giữa học sinh, sinh viên với cán bộ, chiến sĩ hải quân, nhân viên kiểm ngư để giúp cho mọi người thấy và hiểu được cuộc sống cùng sự gian khổ của những người đang ngày đêm bám biển, canh gác, đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù. Ngoài ra, có hàng ngàn tàu thuyền và ngư dân Đà Nẵng ngày đêm bám biển, bám ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng là thực tế sinh động để cho mọi người hiểu hơn về biển, đảo.
Thành phố cũng có thể tiến hành các tour du lịch biển, đảo để cho mọi người khám phá những nét đẹp của biển, đảo và tình yêu về vùng đất xa bờ của quê hương. Gần đây, thành phố Hồ Chí Minh đã đặt ra mục tiêu và đang tích cực chuẩn bị hình thành các tour du lịch ra Trường Sa, thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận và nhận được sự đồng tình ủng hộ rất cao của các tầng lớp nhân dân. Đà Nẵng có lợi thế về tour du lịch này. Do vậy việc chuẩn bị cho các tour du lịch biển này sớm trở thành chủ trương và đi vào thực hiện.
Trong cảm xúc sâu nặng với tình yêu quê hương đất nước, thì một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa hay Hoàng Sa thấm xương máu, mồ hôi, nước mắt của ông cha ta để lại, đều trở nên thiêng liêng và thân thiết với mỗi người.
Còn nhớ, trong lần phỏng vấn về Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2015, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nói rằng: “Hãy đến và cảm nhận”. Bởi vậy, khi chúng ta hết sức quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục về tình yêu biển, đảo quê hương, để cho tình cảm đó được nhân lên gấp nhiều lần trong mỗi người, thì một trong những việc làm hiệu quả nhất chính là đẩy mạnh công tác giáo dục bằng trực quan.
TUYẾT MINH