Thời sự và bàn luận
Chọn người thực tâm, thực tài
Từ ngày 25-6-2015, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức thi tuyển để bổ nhiệm chức danh Giám đốc Sở Xây dựng.
Thi tuyển để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã trở thành quy định chung (tại Quyết định 6221/QĐ-UBND) của thành phố từ tháng 8-2012. Điểm mới lần này là mở rộng đến chức danh giám đốc sở, chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Năm 2005, ngay sau khi Bộ Nội vụ khởi động chương trình thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo (TTCDLĐ), Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên triển khai ngay việc thí điểm TTCDLĐ tại các đơn vị sự nghiệp từ năm 2006. Kết quả đã tạo ra sự đột phá mới ban đầu rất khả quan về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố (nhiệm kỳ 2010-2015), từ tháng 8-2012, việc TTCDLĐ trở thành quy định chung đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố và thuộc sở, ban, ngành, UBND quận, huyện.
Đây là văn bản pháp lý cao nhất để các cơ quan, đơn vị thực hiện. Điểm đáng chú ý của quy định này là mở rộng cả đối tượng lẫn số lượng chức danh dự thi (mở rộng thi tuyển cán bộ lãnh đạo từ đơn vị sự nghiệp đến cơ quan hành chính; đối tượng dự thi được mở rộng đến các cơ quan, đơn vị không thuộc thành phố Đà Nẵng, người đang công tác tại các đơn vị, tổ chức ngoài cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước). Tính đến hết năm 2014, đã có 415 ứng viên dự thi và có 131 ứng viên trúng tuyển được bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp của thành phố.
Thi tuyển chức danh Giám đốc Sở Xây dựng sẽ tiếp tục thổi một luồng gió mới vào công tác cán bộ của thành phố. Ứng viên là cán bộ thuộc thành phố quản lý hoặc ngoài thành phố đều có cơ hội ngang nhau khi đăng ký dự thi nếu đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn của Hội đồng thi tuyển. Việc mở rộng đối tượng dự TTCDLĐ khắc phục tình trạng “sống lâu lên lão làng”, đề bạt, bổ nhiệm khép kín trong từng cơ quan, đơn vị.
Hình thức TTCDLĐ mở ra cơ hội và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức trẻ có năng lực, trình độ, có tâm huyết, nguyện vọng cống hiến cho sự phát triển của Đà Nẵng tham gia dự thi. Bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trên cơ sở thi tuyển cạnh tranh dân chủ, công khai, minh bạch tạo được sự đồng thuận cao cả trong cơ quan, đơn vị và dư luận xã hội. Với phương châm “Bó đũa chọn cột cờ”, người được chọn làm Giám đốc Sở Xây dựng phải là người thực tâm, thực tài, giỏi nhất trong các ứng viên. Điều này đồng nghĩa với việc không có “cửa” cho ai đó mong muốn vào vị trí này bằng con đường ngoài TTCDLĐ.
Nhìn vào điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể đối với ứng viên dự thi vừa công bố cho thấy: Người đảm nhận chức danh Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng phải thực sự là “tư lệnh” ngành trong lĩnh vực xây dựng của thành phố; không chỉ đánh giá đúng và trúng hạn chế của ngành hiện nay để đưa ra giải pháp khắc phục có hiệu quả, mà còn phải tạo được đột phá trong công tác tham mưu với UBND thành phố nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực xây dựng. Điều kiện, tiêu chuẩn dự thi cũng đòi hỏi năng lực trình độ, phẩm chất chính trị của người sẽ vào vị trí Giám đốc Sở Xây dựng phải đáp ứng với tiêu chuẩn cán bộ trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ.
TTCDLĐ lần này không đơn giản là việc tìm một Giám đốc Sở Xây dựng thực tâm, thực tài. Cái gốc là tìm một người thực tâm, thực tài, thực sự là “công bộc” cống hiến tâm huyết, tài năng phục vụ nhân dân và vì sự phát triển của thành phố Đà Nẵng. Vào vị trí không phải để thăng quan phát tài. Cuộc thi tuyển để bổ nhiệm Giám đốc Sở Xây dựng lần này là thực hiện theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
ĐOÀN SƠN